Chương trình có sự tham dự của gần 50 đại biểu là các Giáo sư, Tiến sĩ, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực quản lý kinh tế, di sản, kiến trúc quy hoạch, môi trường, công nghệ và du lịch của Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo khoa học
Khai mạc Hội thảo, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long cho biết: với lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và đối ngoại của Tỉnh, một vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, sở hữu kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, và trên 95 di tích lịch sử văn hóa, thời gian qua dưới sự định hướng và chỉ đạo của tỉnh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đã là mục tiêu chiến lược được TP Hạ Long nỗ lực thực hiện và bước đầu gặt hái nhiều kết quả tích cực. Từ chỗ chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi được công nhận di sản, đến nay mỗi năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, làm cho ngành du lịch - dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Do đó, mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của Thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được những bất lợi hiện nay thành những lợi thế, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long. Ông Vũ Quyết Tiến nhấn mạnh thêm.
Chia sẻ những nhận định để Hạ Long có thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế di sản hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết: Trước những thách thức trong việc bảo tồn, phát triển di sản Vịnh Hạ Long hiện nay rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, các cấp, các ngành và người dân trong việc phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long một cách bền vững.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ những quan điểm để Hạ Long phát triển thời gian tới.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn nhấn mạnh về việc Quảng Ninh cần trao quyền cho TP Hạ Long trong đột phá phát triển. Bởi theo TS Trần Đình Thiên: Theo số liệu bán vé tham quan Vịnh Hạ Long năm 2024 là khoảng 1.000 tỷ đồng. Con số này vẫn không tương xứng với một Di sản 3 lần được UNESCO vinh danh và sở hữu rất nhiều thế mạnh nổi trội mà không nơi nào có được. Để xây dựng Hạ Long phát triển xứng tầm, tỉnh Quảng Ninh cần trao quyền cho TP Hạ Long theo cơ chế "địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm" để thành phố phát huy sức mạnh tự chủ, sáng tạo, giải quyết các vấn đề phát triển trong khuôn khổ Quy hoạch chung đã được phê duyệt. Ví dụ như cho phép TP Hạ Long cơ chế phát triển "vượt trước", chính sách "đặc thù - đặc biệt" đúng tầm để xây dựng một Trung tâm Du lịch Quốc tế đẳng cấp thuộc loại cao cấp nhất. Cùng đó là khoảng 3000 hòn đảo, mình thổi hồn tạo sức sống cho từng hòn đảo thì Hạ Long sẽ có những điểm nhấn thu hút du khách lớn.
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, đột phá sáng tạo cũng là chia sẻ của nhiều chuyên gia, hàng chục tham luận để mong muốn góp ý xây dựng TP Hạ Long theo hướng đô thị Di sản, phát triển xanh thời gian tới. Những ý kiến thực chất sẽ được đưa vào mục tiêu, định hướng quan trọng trong văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hạ Long, nhiệm kỳ 2025 – 2030 để triển khai thực hiện, nỗ lực đưa thành phố bứt phá mạnh hơn trong thời gian tới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hạ Long vẫn chưa thực sự phát huy được hết các thế mạnh thiên nhiên ban tặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!