Hành trình tìm lại chính mình qua Shikoku Henro, chuyến hành hương di sản của Nhật Bản

PV-Thứ sáu, ngày 23/02/2024 14:00 GMT+7

Khởi nguồn hơn 1.200 năm trước, Shikoku Henro là một trong những cuộc hành hương hiếm có và lâu đời nhất trên thế giới với sức hút mạnh mẽ tới du khách mọi quốc gia.

Shikoku Henro là hành trình tái hiện chuyến đi của cao tăng Không Hải vào thế kỷ thứ 9. Cung đường hành hương qua 88 ngôi chùa linh thiêng trên đảo Shikoku, trải dài quanh bốn tỉnh Tokushima, Kochi, Ehime và Kagawa. Cung đường này đã được chứng nhận là Di sản Nhật Bản.

Hành trình tìm lại chính mình qua Shikoku Henro, chuyến hành hương di sản của Nhật Bản - Ảnh 1.

Shikoku Henro là một trong những cung đường hành hương lâu đời nhất thế giới.

Hành trình 1.400km theo bước chân của cao tăng

Cuộc hành hương đi qua 88 địa điểm linh thiêng này được gọi là "Ohenro'' và những người hành hương được gọi là "Ohenro-san''. Ban đầu, các nhà sư hành hương trên cung đường này như một phần của quá trình tu hành, nhưng từ thời Edo trở về sau, cả những người bình thường cũng đến thăm để chiêm bái, vãn cảnh hay cầu may mắn, xua đuổi tà ma, cải thiện sức khỏe...

Hành trình tìm lại chính mình qua Shikoku Henro, chuyến hành hương di sản của Nhật Bản - Ảnh 2.

Hành trình theo dấu chân cao tăng Không Hải.

Hành trình bắt đầu từ Chùa Ryozenji ở tỉnh Tokushima và kết thúc tại Chùa Okuboji ở tỉnh Kagawa. Tuy nhiên, du khách có thể bắt đầu ở bất cứ đâu, cũng như không cần phải hoàn thành toàn bộ hành trình trong lần. Việc viếng thăm các ngôi đền theo thứ tự đánh số bắt đầu từ số 1, được gọi là "Jun-uchi'' và đây là cách viếng thăm chính thống. Cách đi ngược chiều kim đồng hồ từ số 88 được gọi là "Gyaku-uchi'' và người ta đồn rằng nếu đi vào năm nhuận và theo đúng thứ tự 3 lần, người hành hương sẽ nhận được vô số phúc lành. Ghé thăm tất cả các ngôi chùa trong một lần được gọi là "Toruuchi'', thăm quan nhiều nơi riêng lẻ được gọi là "Kuguri-uchi'' và ghé thăm từng tỉnh một được gọi là "Ikkoku Mairi". Trong nhịp sống hiện đại thì có lẽ "Kuguri-uchi" là lựa chọn phổ biến nhất.

Một trong những điểm hấp dẫn của Shikoku Henro là nụ cười và lòng hiếu khách nồng hậu của người dân địa phương. Đây là điểm độc đáo của nơi đây khi mỗi vùng đều có những phong tục khác nhau, từ việc chỉ nói lời cảm ơn đến mời trà, đồ ngọt, cung cấp bữa ăn và chỗ ở. Lòng hiếu khách này được cho là bắt nguồn từ việc người dân quyên góp cho các nhà sư hành hương ở Shikoku khi họ đi khất thực xa xưa. Nó là sự kết nối vượt thời gian giữa trái tim với trái tim, từ đó tạo nên sự thu hút mạnh mẽ không chỉ với người Nhật mà cả những người hành hương nước ngoài.

Hành trình tìm lại chính mình qua Shikoku Henro, chuyến hành hương di sản của Nhật Bản - Ảnh 3.

Một món ăn tại chùa dành cho người hành hương

Cung đường ở Tỉnh Ehime là cung dài nhất trong số bốn tỉnh vì rất nhiều các ngôi chùa nằm tại đây. Nếu du khách muốn thực hiện chuyến hành hương đầu tiên của mình đến Ehime thì nên ghé thăm chùa Ishite, ngôi chùa thứ 51. Chùa chỉ cách Dogo Onsen vài phút đi bộ và là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất trong số 88 điểm đến. Khuôn viên chùa rộng lớn với nhiều tài sản văn hóa quan trọng, chẳng hạn như chính điện, tháp Sanju-noto và điện Goma-do, cũng như đôi dép cói dài 3 mét ngay cạnh cổng, bức tượng hộ pháp và cả các hang động… Hơn nữa, trong khuôn viên của Chùa Ishite, có đất từ ​​tất cả các ngôi chùa mà tương truyền rằng bằng cách chạm chúng, du khách có thể tích lũy công đức tương đương với việc viếng thăm tất cả 88 ngôi chùa.

Hành trình tìm lại chính mình qua Shikoku Henro, chuyến hành hương di sản của Nhật Bản - Ảnh 4.

Chùa Ishite, ngôi chùa thứ 51 tại tỉnh Ehime. Ảnh: Ehime Box Content

Bốn giai đoạn của con đường khai sáng tinh thần

Điểm khởi đầu của Shikoku Henro là "Con đường Phát tâm'' tại Tokushima, nơi con người củng cố khát vọng rèn luyện khổ hạnh, tiếp theo là "Con đường Tu luyện'' nơi con người tự đấu tranh để đối mặt với chính mình. Cung đường đi qua tỉnh Ehime hay còn gọi là "Con đường Bồ tát'' nơi con người dần thoát khỏi sự lạc lối và "Con đường Niết Bàn'' - chặng cuối nơi du khách có thể đạt được lời thề của mình và chạm tới cảnh giới giác ngộ. Cung đường này tương đồng một cách kỳ diệu với quá trình một người nỗ lực từng ngày và kinh qua các thử thách khác nhau để đạt được mục tiêu của mình.

Bất cứ ai cũng có thể trở thành người hành hương trong Shikoku Henro. Đi bộ đường trường giúp khách hành hương tách mình khỏi cuộc sống và chiêm nghiệm của bản thân sâu sắc. Với nhiều người, đây có thể là một hành trình thay đổi cuộc đời.

Hành trình tìm lại chính mình qua Shikoku Henro, chuyến hành hương di sản của Nhật Bản - Ảnh 5.

Shikoku Henro là hành trình tìm lại chính mình.

Dọc theo cung đường, khách hành hương cũng được ngắm thiên nhiên trên đảo Shikoku vào mọi thời điểm, chiêm bái các ngôi chùa truyền thống, những bức tượng linh thiêng hay tản bộ các cổ trấn, khám phá các công trình kiến trúc truyền thống Nhật Bản qua nhiều thời kỳ, thưởng thức những món đặc sản của địa phương và nghỉ tại những nhà trọ truyền thống của Nhật Bản… Một hành trình đầy đủ những trải nghiệm về cả tâm – thân – trí!

● Mùa hành hương tốt nhất là mùa xuân (tháng 3 đến tháng 5) và mùa thu (tháng 10 đến tháng 11) khi khí hậu ôn hòa.

● Du khách có thể mặc trang phục tự do khi viếng chùa nhưng nên đi giày để dễ di chuyển và quần áo bảo vệ khỏi thời tiết nóng và lạnh. Theo đúng truyền thống thì người hành hương có thể đội mũ cói, mặc áo khoác trắng và cầm gậy kongo. Những vật dụng này có thể được mua ở các địa điểm như Chùa Ichiban và Cửa hàng đồ hành hương Matsuchikao nằm ở trung tâm mua sắm tại Ga Thành phố Matsuyama.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước