Đi chùa lễ Phật không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Ngày nay, do nhiều tác động của cuộc sống vật chất cộng thêm tâm lí đám đông, mà ở đâu đó vẫn có những lệch lạc dẫn đến những hành động chưa đúng thậm chí là sai lệch gây ra nhiều sự biến tướng trong các hoạt động văn hóa tâm linh. Hiểu đúng ý nghĩa của việc đi lễ chùa sẽ giúp mỗi người tránh lãng phí tiền của, thời gian và không có những hành vi đi ngược lại giáo lý tốt đẹp của nhà Phật.
Những lùm xùm trong hoạt động của chùa Ba Vàng thu hút sự quan tâm của giới Phật tử và người dân trong vài năm trở lại đây. Đây chỉ là một trong nhiều biểu hiện về sự lệch lạc, dùng niềm tin Phật giáo để thu hút một bộ phận công chúng chưa thực hiểu rõ về ý nghĩa cao đẹp của việc đi chùa lễ Phật. Tâm lý đám đông, tâm lý cầu cúng cộng với ý nghĩ thần thánh hóa Đức Phật, hay một vị tăng sĩ như một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt đã khiến không ít người tìm đến Phật để cầu xin những giá trị vật chất như tiền tài, may mắn, địa vị...thậm chí xin thay đổi vận mệnh thông qua các khóa Lễ.
Những năm gần đây, nạn cúng mặn, đốt vàng mã, thắp hương, công đức tiền lẻ bừa bãi phần nào giảm bớt trong các ngôi chùa, tự viện Phật giáo. Xong không thể không phủ nhận, tồn tại một tâm lý thiên vị vô hình giữa chùa này và chùa khác trong một bộ phận người đi lễ. Cùng thờ một Đức Phật, có chùa lại thiêng hơn; đặc biệt dịp đầu năm là những cuộc chạy đua đi lễ với tâm lý lễ càng nhiều càng được phước báu, càng giảm rủi ro.
Phật Giáo là một tư tưởng triết học lớn, hình tượng Đức Phật chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật giáo muốn đem đến cho người dân. Đó chính là những phương pháp chuyển hóa khổ đau bằng trí tuệ và sự tỉnh thức, chứ không phải bằng cầu xin, nuôi tham vọng. Theo giáo lý nhà Phật, mỗi lời nói, hành động, tâm ý của mỗi người tự nó đã mang theo mầm nhân quả.
Trong giáo lý nhà Phật, Đức Phật dạy về Tứ trọng Ân - là bốn ơn mà người theo Phật cần báo đáp. Đó là ơn cha mẹ, ơn Thầy bạn, ơn quốc gia xã hội và cuối cùng là ơn Tam Bảo. Đây những đạo lý và nền tảng đạo đức căn bản của con người. Trong dân gian cũng có câu: Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Như vậy, hướng về đạo Phật trước hết mỗi người hãy làm trọn nghĩa vụ căn bản, lễ Phật từ tâm thì trong tâm luôn có Phật.
Mở rộng không gian trong việc học Phật theo Phật không chỉ giới hạn trong các ngôi chùa. Nếu rời bỏ khỏi chùa và quay về cuộc sống thực tại hàng ngày lại trở về với tham, sân, vi và giận dữ thì việc học Phật chỉ còn là hình thức.
Đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc. Muốn bình an, chúng ta phải biết rõ giá trị cuộc sống để sống, làm việc phải theo hiến pháp, pháp luật, đúng đạo lý. Muốn ấm no, hạnh phúc không có gì khác ngoài việc phải làm việc, lao động chân chính. Mọi tư tưởng sống gấp, sống hưởng thụ, lười lao động, thiếu tu dưỡng đạo đức đều dẫn đến bất hạnh không cần phải do thần linh hay số phận an bài.
Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Từ khi tại thế, Đức Phật đã khẳng định không thể ban phước, giáng họa cho ai mà phải tự mình tu tâm tích đức để cải thiện số phận của mình…
Tự do tín ngưỡng là một quyền của công dân được Nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên mỗi người dân cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt khi đi lễ, hành lễ. Có như vậy mới không rơi vào mê tín dị đoan hoặc có hành vi phản cảm, lệch lạc nơi thờ tự, chốn linh thiêng. Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật góp phần nâng tầm văn hóa, giá trị của các lễ hội gắn với chùa chiền. Đó cũng là cách mà mỗi người dân Việt Nam giữ gìn và phát huy nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của mình trong xu thế hội nhập hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!