Ở Việt Nam, origami vẫn chỉ như một thú vui của các bạn trẻ. Nhưng có một chàng trai đã phải lòng origami từ rất lâu và kiên trì theo đuổi đến cùng, dù còn nhiều rào cản đối với bộ môn này. Đó là Hoàng Tiến Quyết – một cao thủ origami tại Việt Nam.
Gấp giấy là một người bạn
Nói về mối duyên với bộ môn nghệ thuật origami đầy thú vị này, Hoàng Tiến Quyết tâm sự: "Từ ngày bé, tôi được bố và các anh họ dạy gấp các mẫu đơn giản như máy bay, thuyền giấy. Ban đầu, tôi cũng không có khái niệm đó là origami, nó chỉ là niềm vui, sự thích thú khi có thể tự làm những món đồ chơi cho riêng mình. Tuy nhiên về sau, khi được tiếp xúc với nhiều mẫu gấp khác từ những cuốn sách được bạn bè cho mượn và bố mẹ tặng, niềm say mê càng lớn hơn. Gấp một mẫu gấp dần giống như giải một bài toán, hoàn thành được một mẫu phức tạp từ cuốn sách cũng như chinh phục được một bài toán khó. Khi tôi có thể tự sáng tạo tác phẩm cho riêng mình, gấp giấy lại là một người bạn, mỗi tác phẩm cũng là nơi gửi gắm tâm hồn của mình".
Ngày Tiến Quyết còn bé, việc gấp các mẫu hướng dẫn trong sách vô cùng khó khăn. Cũng bởi, không ai chỉ dẫn các thao tác vẽ trong sách nên được thực hiện như thế nào. Có những mẫu gấp khó, Quyết phải mất vài tháng hay cả năm để tự mày mò ra được. Tuy nhiên, cảm giác khi hoàn thành tác phẩm luôn rất thích thú và anh lại đem khoe với các bạn trong lớp. Quyết thích và gấp giấy hăng say nhất trong những năm lớp 11-12 khi bắt đầu biết đến diễn đàn Vietnam Origami Group và gặp nhiều bạn say mê Origami như mình. Những năm đó, kết quả học tập của Quyết ở trường không tốt, lại sắp thi Đại học nên bố mẹ không cho phép anh gấp giấy. Có khi lén lút ngồi bàn học gấp giấy, sau nhiều lần trót lọt, Quyết cũng bị bố phát hiện và xé mất cả mẫu gấp trong nhiều ngày. Và chàng trai ấy đã cố gắng thi đỗ Đại học để được… gấp giấy tự do. Những năm đó cũng là lần đầu tiên các mẫu Quyết gấp được đăng báo của hội Origami Anh. Sau này, những hướng dẫn về bộ môn gấp giấy của Hoàng Tiến Quyết đã được đăng trong sách quy ước ở Nhật và anh cũng có cơ hội làm khách mời tại đây.
Theo Tiến Quyết, muốn có những tác phẩm đẹp, cần nhiều năm rèn luyện các kĩ thuật gấp một cách tỉ mỉ, kiên trì. "Hồi bé, khi gấp những mẫu trong sách, tôi không chỉ gấp 1-2 lần hoàn thiện là xong, mà gấp đi gấp lại rất nhiều lần, để mỗi lần sau đều tốt hơn. Còn để thổi hồn vào tác phẩm, cần một chút tình cảm, trí tưởng tượng của người gấp. Tôi thường đặt mình vào mỗi tác phẩm và tưởng tượng nếu mình là tác phẩm ấy, mình sẽ muốn mỗi chi tiết của mình được gấp, được thể hiện như thế nào, đến bao giờ mình mới hài lòng" – Quyết chia sẻ.
Để ra một tác phẩm hoàn thiện, việc thiết kế thường chiếm nhiều thời gian nhất, có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng hoặc phát triển qua nhiều năm. Cùng là một mẫu gấp cũ, sau mỗi năm nhìn lại mình lại có những ý tưởng mới, thay đổi nhỏ giúp tác phẩm hoàn thiện hơn theo ý mình. Thời gian gấp mỗi mẫu ngắn hơn, có thể chỉ vài giờ hoặc vài ngày. Mẫu gấp lâu nhất có lẽ là mẫu sư tử, Quyết đã phát triển qua nhiều bản, mỗi lần gấp cũng mất nhiều ngày chuẩn bị. Đến nay, anh vẫn chưa hoàn toàn ưng ý và muốn có dịp gấp lại với những thay đổi khác.
Mong những con đường mới cho origami
Từng tham gia một số hội nghị Origami ở Nhật và một số nước châu Âu, những chuyến đi đã mang lại cho Hoàng Tiến Quyết nhiều bài học thú vị. Mỗi khu vực, đất nước khác nhau lại có thế mạnh ở những mảng khác nhau của Origami. Như ở Nhật, các tác phẩm luôn có kĩ thuật cao và rất tỉ mỉ, ở Châu Âu và Mỹ lại mạnh về các mẫu gấp mang tính hình học, những ứng dụng của origami vào khoa học và đời sống. Nhờ đó, mỗi chuyến đi, ngoài niềm vui được gặp gỡ các bạn bè cùng đam mê như mình, Quyết cũng học hỏi từ chính những tác phẩm, công việc các bạn đang làm với origami. Hoặc đôi khi chỉ trò chuyện, gấp giấy với nhau cũng mang đến nhiều ý tưởng mới.
Có thể nói, không quá nhiều người ở Việt Nam theo đuổi bộ môn nghệ thuật. Origami vẫn chỉ như một thú vui của các bạn trẻ. Khi lớn lên, dành nhiều thời gian cho công việc, gia đình, mọi người ít có thời gian gấp giấy hơn. Không có nhiều người tin tưởng vào một công việc ổn định với origami nên cũng không dành nhiều thời gian theo đuổi nó.
Việc bản quyền sách và tác phẩm không được coi trọng đúng mức cũng là một rào cản khiến nhiều người khó khăn khi theo đuổi origami khi việc xuất bản sách, bán hình ảnh tác phẩm thường mang lại thu nhập ít hơn. Nhưng Tiến Quyết lại chọn đi con đường đầy khó khăn này. Anh chia sẻ: "Thực ra bản thân tôi không phải là người thích mạo hiểm, chỉ là mỗi ngày thấy vui vì được làm việc với đam mê là đủ. Thời gian đầu, gia đình tôi không ủng hộ việc theo đuổi origami, nhưng cũng không phản đối gay gắt. Với tôi, vậy là đủ vui rồi.
Sau nhiều năm miệt mài, khi đã có những thành công nhất định với origami, mọi người trong gia đình đã không còn nghi ngờ về con đường tôi đã chọn nữa. Tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều bạn theo đuổi origami, mở ra những con đường mới để origami ngày càng được ứng dụng nhiều hơn và được nhìn nhận như một nghệ thuật thực thụ".
PV Mai Hoa
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!