Theo ghi nhận, ngay từ sáng sớm hôm nay 23 tháng Chạp, người dân đi mua sắm các đồ lễ để cúng ông Công, ông Táo tại các chợ cóc, chợ dân sinh tại Hà Nội diễn ra rất nhộn nhịp. Theo tín ngưỡng dân gian, cá chép là phương tiện để đưa ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng, do vậy mặt hàng được quan tâm nhiều nhất là các loại cá chép vàng và cá chép đỏ.
Cá chép để tiễn ông Táo về trời theo tín ngưỡng dân gian trong tục cúng ông Công, ông Táo.
Dịp này các bạn sinh viên cũng tranh thủ bán cá để kiếm thêm phụ gia đình.
Bên cạnh cá chép, đồ vàng mã như: mũ, hài, quần áo, tiền vàng là những thứ không thể thiếu trong lễ cúng tiễn 3 vị Táo quân lên chầu trời. Tuy nhiên, năm nay, nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức về việc đốt vàng mã, người dân không mua, đốt nhiều như trước để tránh gây lãng phí và bảo vệ môi trường, vì vậy nhiều gia đình mua sắm đơn giản hơn mọi năm. Ngoài ra, không thể thiếu các đồ cúng khác như: xôi, thịt, bánh kẹo và đặc biệt là hoa quả cũng là lựa chọn của nhiều người dân.
Vàng mã là thứ không thể thiếu trong lễ cúng tiễn 3 vị Táo quân lên chầu trời.
Chị Bích Thủy ở quận Cầu Giấy ( TP Hà Nội ) chia sẻ: Vào ngày này năm nào chị cũng mua đồ lễ cúng ngày ông Công ông Táo, và mua vàng mã thì cũng chỉ mua đủ để tránh lãng phí trong việc đốt vàng mã.
Nguoif nào cũng hối hả cho kịp về làm lễ.
Theo tín ngưỡng dân gian, cúng ông Công, ông Táo là dịp các gia đình tiễn thần bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó, đồng thời cầu phúc cho gia đình năm mới an khang, thịnh vượng. Tùy theo từng gia cảnh, mâm cỗ cúng không cần quá cầu kỳ, song vẫn thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng của gia chủ. Đây cũng là dịp để nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!