“Hồi sinh” rác củi trong nước lũ thành các tác phẩm điêu khắc mang ra thế giới

Giang Châu, Phương Hằng-Thứ sáu, ngày 05/01/2024 10:40 GMT+7

VTV.vn - Hơn cả mong muốn hạn chế rác thải, anh Thuận khao khát tạo ra một bảo tàng nghệ thuật đương đại từ củi lũ, để kể câu chuyện của quê hương.

Thành phố Hội An, Quảng Nam vốn nổi tiếng với những giá trị truyền thống, là điểm đến yêu thích của những ai yêu vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn và cổ kính. Thế nhưng Hội An cũng là thành phố sáng tạo không ngừng nghỉ, bởi những người con yêu quê hương luôn đau đáu phát triển du lịch bền vững.

Với những nỗ lực bền bỉ, tháng 10/2023, Hội An đã chính thức được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành quả ấy có được một phần là nhờ những không gian sáng tạo được hình thành trong thời gian qua, từ bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người Hội An. Mới nhất và gây ấn tượng mạnh, có lẽ phải kể đến Làng Củi Lũ ở xã Cẩm Hà.

Làng Củi Lũ - một điểm du lịch mới ở Hội An, Quảng Nam

Nhặt củi để bớt rác, chế tác thành các tác phẩm nghệ thuật

Anh Lê Ngọc Thuận (SN.1980) sinh ra và lớn lên ở Hội An, là một trong những người đầu tiên ở đây phát triển du lịch cộng đồng với các hoạt động lưu trú, ăn uống, vui chơi, lễ hội ven biển An Bàng. Qua trải nghiệm hơn 10 năm làm du lịch, anh Thuận để ý nhiều hơn tới vấn đề môi trường, đến những thứ rác thải cỏn con mà nếu không được "tái sinh" thì chúng sẽ đi về bãi rác hoặc trôi vào đại dương. 

Lớn lên cùng sông nước, trưởng thành nhờ biển cả, anh không muốn môi trường sống của mình bị ô nhiễm. Trước đây, anh đã thường lượm củi, vỏ ốc để trang trí homestay, nhà hàng, nhận được nhiều sự hứng thú từ khách nước ngoài. Năm 2020 khi dịch COVID – 19 bùng phát, công việc bị đình trệ, anh có thời gian nhiều hơn nên bắt đầu nhặt nhạnh củi về để chế tác thành các tác phẩm có hồn, có giá trị. Đến đầu năm 2023, anh Thuận tuyển thêm thợ và xây dựng nên Làng Củi Lũ với mong muốn phát triển một làng nghề mới.

“Hồi sinh” rác củi trong nước lũ thành các tác phẩm điêu khắc mang ra thế giới - Ảnh 2.

Anh Trần Ngọc Thuận hiện là Chủ tịch Hội Homestay Hội An, Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo TP. Hội An

Các sản phẩm điêu khắc từ gỗ lũ kể câu chuyện về đời sống, văn hóa, lịch sử của đồng bào Cơ Tu, Quảng Nam

Làng Củi Lũ Driftwood Village có diện tích khoảng 1500m2, vừa là xưởng sản xuất, vừa là nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc từ củi lũ. Và cũng chính tại đây, các du khách được trải nghiệm nghề mộc thủ công, tự tay đục, khắc gỗ để tạo nên tác phẩm của riêng mình.

Theo anh Thuận, củi lũ là các khúc củi theo dòng nước từ thượng nguồn trôi về sông Thu Bồn, dạt vào biển Cửa Đại sau những đợt mưa lũ. Những khúc gỗ ấy được anh nhặt nhạnh, mang về đẽo gọt, trau chuốt, tỉa thành các hình hài khác nhau lấy ý tưởng từ cuộc sống của đồng bào Cơ Tu, của người Hội An. Đó là các linh vật, các vật dụng đã gắn liền với giai đoạn hình thành và phát triển của địa phương, là những câu chuyện về lịch sử,… Đằng sau những tác phẩm màu sắc được trang trí và trưng bày khắp Làng Củi Lũ, là một tâm hồn nhạy cảm với thiên nhiên. Đối với anh Thuận, củi lũ là rác, mình chế ra tác phẩm, coi như dọn rác cho môi trường.

Anh chia sẻ: "Câu chuyện môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững mình đã ấp ủ trong 10 năm, đến khi có cơ hội thì mình làm. Không phải bây giờ mọi người hô hào sống xanh thì mình mới nghĩ đến, mà nó bắt nguồn từ cái tâm của mình rất lâu rồi".

Khát vọng về một con đường nghệ thuật – một bảo tàng củi lũ cho mai sau

Dù không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cũng không học nghề mộc, nhưng anh Thuận xác định đây sẽ là con đường anh đi lâu dài. Nhìn những khúc gỗ, anh sẽ lên ý tưởng xem tạo chúng thành sản phẩm gì. Sau đó, 12 người thợ là con em của làng mộc Kim Bồng truyền thống ở Hội An sẽ giúp anh kể câu chuyện anh muốn kể. Theo anh Thuận, làng mộc Kim Bồng có tuổi đời hơn 600 năm, nhiều sản phẩm đã lạc hậu, thiếu tính thẩm mỹ của thời đại, và cũng nhiều người trẻ chuyển sang nghề khác chứ không theo được nghề mộc nữa. Anh Thuận muốn "níu kéo" họ bằng một con đường mới, tư duy mới, bằng những sản phẩm vừa mỹ nghệ vừa có tính đương đại và ứng dụng cao.

“Hồi sinh” rác củi trong nước lũ thành các tác phẩm điêu khắc mang ra thế giới - Ảnh 4.

Những người trẻ của làng nghề mộc Kim Bồng đã có một không gian làm việc mới, với những hi vọng mới

“Hồi sinh” rác củi trong nước lũ thành các tác phẩm điêu khắc mang ra thế giới - Ảnh 5.

Không gian trưng bày các sản phẩm quà lưu niệm từ củi lũ

Đặc biệt, những khúc củi từ thượng nguồn mang câu chuyện về nghề điêu khắc nổi tiếng của người Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam, còn về dưới Hội An là câu chuyện của làng nghề mộc Kim Bồng truyền thống. Hành trình của củi lũ mang hàm nghĩa như một dòng chảy giao thoa văn hóa, kết nối giữa hai vùng.

Với niềm tin về câu chuyện văn hóa sinh ra từ đời sống, anh Thuận đã tự vẽ ra một con đường, rồi tự mình đi. Mục tiêu của anh là xây dựng chiến lược dài hạn, bắt đầu từ một con người, sau đó sẽ đưa gia đình, xóm làng cùng vào làm để hình thành một làng nghề mới. Các tác phẩm không chỉ để ngắm mà phải có tính ứng dựng cao, tạo việc làm cho người dân, phát triển du lịch bền vững từ rác thải.

Hiện Làng Củi Lũ chia thành các nhóm: sản xuất xuất khẩu, làm quà lưu niệm, đồ decor trong nhà hàng khách sạn, trưng bày trải nghiệm tham quan. Sau 10 tháng hoạt động, Làng đã thu hút nhiều du khách quan tâm đến văn hóa, thích trải nghiệm nghề thủ công. Với mỗi tour từ 400.000 – 500.000 VNĐ, khách sẽ được hướng dẫn vẽ, đục gỗ để tạo ra sản phẩm trong khoảng 3 tiếng.

Chia sẻ về khát khao này, anh Thuận cho biết: "Phải có chiến lược dần dần, 5 năm, 10 năm, 50 năm, lập quy trình phát triển, đóng gói như thế nào, truyền thông ra sao. Đây là phải là câu chuyện tổng thể của một thành phố, một Quốc gia chứ không phải là thợ nhỏ lẻ. Mình muốn đưa cho thế giới thấy câu chuyện của củi lũ."

Được truyền cảm hứng từ những làng nghề thủ công gắn với du lịch ở Thái Lan hay Bali (Indonesia), anh Thuận cũng hi vọng TP. Hội An sẽ tạo ra một con đường nghệ thuật để cộng đồng tham gia tương tác với khách du lịch.

Khách nước ngoài thích thú với trải nghiệm làm đồ thủ công

Chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian là cơ hội để Hội An phát triển mạnh mẽ hơn trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao vị thế một thành phố sáng tạo của thế giới. Cuối tháng 8/2023, câu chuyện củi lũ Hội An của anh Lê Ngọc Thuận đã hiện diện trong Lễ hội Đèn lồng Hội An tại thành phố Wernigerode, Đức.

Bằng nhiều cách khác nhau, nghệ thuật truyền thống đã "vực dậy", và rác thải lại có một đời sống mới. Khi phóng viên chia sẻ cảm nhận về một Hội An luôn đổi mới, mỗi năm đến đây lại có nhiều thứ để tìm hiểu, người đàn ông chững chạc có biệt danh "Thuận Củi Lũ" đáp lời: "Luôn luôn có những con người muốn làm mới, không chịu đứng lại".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước