Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng

Giang Châu-Thứ sáu, ngày 14/06/2024 14:27 GMT+7

VTV.vn - Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc...với mong muốn đem đến ánh sáng cho nhiều người.

Ngày 13/6, Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 tổ chức "Lễ ra mắt Ngân hàng Mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người" thuộc Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2. Dịp này, Bệnh viện cũng tổ chức "Lễ phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người" nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" ngày 19/05 vừa qua và triển khai các hoạt động vận động hiến mô, tạng, giác mạc và bộ phận cơ thể người đến mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 1.

Các đại biểu cùng nhau phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng, giác mạc, bộ phận cơ thể người.

Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 sẽ trở thành một đơn vị cùng với Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương đồng hành tuyên truyền, vận động, thu nhận giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người bệnh không may bị mù do các bệnh lý giác mạc gây ra.

Được sự đồng ý của Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 cũng ra mắt Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người. Đây là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người nhằm góp phần tuyên truyền vận động người dân hiến mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.

PGS.TS.BS. Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: "Hiện nay, ở nước ta có gần 1 triệu người bị mù do bị các bệnh lý khác nhau về mắt. Thời gian vừa qua đã có nhiều gia đình tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tự nguyện hiến tặng lại giác mạc của người thân khi họ không may qua đời để ghép cho những người mù giúp họ có thể hoà nhập vào cuộc sống bình thường như bao người khác. Thật đáng mừng khi những nghĩa cử cao đẹp đó đã được chính quyền, tôn giáo và đông đảo người nhân dân các địa phương hết lòng đồng tình ủng hộ."

Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 2.

PGS.TS.BS. Hoàng Thị Minh Châu, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4 năm 2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình), cả nước đã ghi nhận 963 người hiến giác mạc trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). Đến nay đã có hơn 20 tỉnh thành trong cả nước có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường.  Theo ước tính Việt Nam hiện có trên 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt TW, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian.

Trong sự kiện này, một vị khách mời đặc biệt truyền cảm hứng cho những người có mặt. Đó là chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương – mẹ của thiên thần nhỏ Hải An đã ra đi và hiến giác vào 6 năm trước, hiện chị Dương trở thành Chuyên viên truyền thông vận động hiến tặng Mô, Tạng, Giác mạc, Bộ phận cơ thể Người cho Ngân Hàng Mô - Ngân Hàng Mắt - Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2, Chi Hội Vận động Hiến tặng Mô, Tạng, Bộ phận Cơ thể Người.

Người mẹ trẻ xúc động: "Con gái tôi, bé Hải An, đã ra đi 6 năm. Trước khi mất, tâm nguyện của Hải An là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những bệnh nhân đang cần, đang chờ được cấy ghép. Nhờ nguyện ước của con, hai người mù đã tìm thấy ánh sáng, đồng thời bản thân tôi cũng đã tìm thấy món quà con để lại chính là được gặp lại con theo một cách đặc biệt nhất. Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi từ trong nỗi đau đến niềm hạnh phúc, khiến tôi tin rằng con vẫn đang ở bên mình, đồng thời tôi cũng cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi đau để chấp nhận cho đi."

Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương hạnh phúc với quyết định của mình và con gái vào 6 năm trước.

Cũng theo chị Dương, những ngày tháng tham gia tư vấn tuyên truyền cho mọi người, chị cảm thấy vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản, định kiến về vấn đề hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người tại Việt Nam. Trong tương lai, chị hi vọng không phải chứng kiến mỗi năm hàng ngàn cơ hội có thể được cấy ghép nhưng lại bị bỏ lỡ vì các gia đình không biết phải làm gì. Dẫu biết đây là một quyết định khó khăn đối với người hiến và nhất là đối với người thân nhưng còn gì đẹp hơn khi đó là điều có thể giúp hàng trăm, hàng ngàn người ngoài kia có cơ hội về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 4.
Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 5.
Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 6.
Hơn 300.000 người mù đang cần được phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng - Ảnh 7.

Những hình ảnh đẹp trong chương trình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước