Các kiến trúc sư của Là Nhà đã có những chia sẻ rất thiết thực phía sau hậu trường để khán giả phần nào hiểu thêm về hành trình tạo nên một không gian sống đúng nghĩa.
Với kiến trúc, đẹp thôi là chưa đủ
Đội ngũ kiến trúc sư của Là Nhà là những con người mang cá tính, phong cách và triết lý thiết kế khác nhau, nhưng tựu chung lại họ đều mong muốn làm nên không gian sống ưng ý nhất cho chủ nhân từng căn nhà. Nhiều người vẫn thường cho rằng, một căn nhà đẹp chỉ cần có kiến trúc sao cho "thuận mắt" là đủ. Tuy nhiên, với những người làm nghề đích thực, khái niệm "đẹp" với họ lại không hề đơn giản như thế. Họ tâm niệm yếu tố về mặt thẩm mỹ chỉ mới đáp ứng được một phần công việc của mình.
Kiến trúc sư Phan Hùng, người đã xuất hiện trong Là Nhà tập 4 chia sẻ: "Một ngôi nhà đẹp, hay nói rộng ra một không gian đẹp, là nơi mang lại cảm xúc dễ chịu cả khi nhìn và khi sống trong không gian đó."
Kiến trúc phải giúp chủ đầu tư giải quyết các vấn đề về thẩm mỹ, công năng, kinh tế.
Đối với kiến trúc sư đến từ Flexhome, anh tâm niệm kiến trúc đối với mình phải cùng lúc giúp chủ đầu tư giải quyết các vấn đề về thẩm mỹ, công năng, kinh tế, thậm chí còn phải có khả năng "kể chuyện". Anh mong muốn: "Thông qua công trình kiến trúc đó, không gian đó, mình có thể giúp người chủ truyền tải được thông điệp của họ, có thể về lối sống, về một ký ức, ước mơ hay khát vọng,..."
Cũng nói về tiêu chí cho một không gian sống lý tưởng, kiến trúc sư Trịnh Hiếu, người đứng sau màn "lột xác" ấn tượng cho căn nhà 58m2 trong tập 1 Là Nhà thẳng thắn cho rằng cái đẹp phải đứng sau công năng và trải nghiệm thực tế.
Trong kiến trúc, công năng và trải nghiệm thực tế cần ưu tiên hàng đầu.
"Tôi chỉ bắt đầu xét tới yếu tố đẹp mắt, thẩm mỹ sau khi đã có một thiết kế tốt nhất trên cả phương diện công năng lẫn trải nghiệm. Người ở trong đó phải cảm thấy thoải mái chứ không phải là làm đẹp nhất để lên hình long lanh rồi tới khi dùng thì lại thấy nó bất hợp lý." - kiến trúc sư Trịnh Hiếu cho biết.
Đặc biệt với người Việt, nhà còn như tổ ấm. Bởi thế, mọi người đều mong muốn được tìm về với những gì thoải mái, dễ chịu nhất khi bước qua cánh cửa nhà. Kiến trúc sư Phạm Tuấn Anh chia sẻ rằng người Việt ngày càng có xu hướng ứng dụng những yếu tố liên quan đến bản sắc truyền thống vào thiết kế nhà cửa, bởi: "Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng cuộc sống vội vã khiến người ta muốn trở về một không gian thân thuộc, gần gũi để làm dịu đi những áp lực, mệt mỏi."
Từ chính nhu cầu về một không gian sống bình yên và tận hưởng, "kiến trúc chữa lành" - lối kiến trúc lấy sự thư thái, cảm xúc của con người làm trung tâm đang dần trở thành xu hướng. Nhận xét về xu hướng này, chuyên gia đến từ Cộng đồng yêu nhà đẹp Happynest - Đơn vị bảo trợ truyền thông của Là Nhà cho biết:
"Xu hướng kiến trúc chữa lành xuất phát từ việc chúng ta luôn phải chịu quá nhiều áp lực. Ngôi nhà giờ đây không chỉ là nơi để ở, mà còn là nơi cải thiện và nuôi dưỡng cảm xúc, kết nối với mọi thành viên trong gia đình."
Có thể thấy khía cạnh này cũng được thể hiện rất rõ nét trong chương trình Là Nhà khi ở mỗi tập phát sóng, đội ngũ chuyên gia luôn nỗ lực đem lại không gian thoải mái, hợp ý nhất với nhu cầu và cả cảm xúc của các nhân vật trải nghiệm.
Là Nhà: Lan tỏa thông điệp về tổ ấm đích thực
Người Việt Nam luôn tâm niệm rằng có an cư thì mới lạc nghiệp. Một mái nhà đúng nghĩa không chỉ là nơi để ở, mà còn giúp thanh dưỡng thân - tâm - trí để chúng ta an tâm cư trú, thực hiện những mục tiêu trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo đại diện từ Nhà phát triển BĐS Văn Phú - Invest (VPI) (một trong hai đơn vị tổ chức sản xuất Là Nhà) phần lớn các căn nhà hiện nay mới chỉ là nơi cư trú chứ không phải là một tổ ấm thực sự.
Chính vì thế, Là Nhà ra đời với mong muốn định nghĩa lại về khái niệm của một tổ ấm đích thực, về những nơi được gọi là "nhà". Thông qua trải nghiệm của 10 nhân vật đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề, với những sở thích và nhu cầu khác nhau, khán giả sẽ tìm thấy mình đâu đó trong chính những câu chuyện đời thường ấy.
Khán giả có những kiến thức cơ bản về kiến trúc, thiết kế nhà cửa qua Là Nhà.
Kiến trúc sư Phan Hùng mong muốn: "Qua chương trình, hi vọng khán giả sẽ có thêm nhiều ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để cải thiện chính không gian sống cho chính mình". Với những kiến thức hữu ích về kiến trúc, thiết kế nhà cơ bản, người xem sẽ nhận ra những yếu tố cần lưu tâm khi xây dựng không gian sống, làm sao để tạo nên một căn nhà lý tưởng.
Đồng hành cùng với các nhân vật và kiến trúc sư từ khâu lên ý tưởng, nhận tư vấn đến các giai đoạn thi công, và chiêm ngưỡng thành quả khi căn nhà khoác lên chiếc áo mới, người xem sẽ càng thấm thía về giá trị của tổ ấm. Một nơi được gọi là "nhà" phải giúp chủ nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu cả về thể chất lẫn tinh thần, đáp ứng các nhu cầu về vật chất, không gian, hoàn cảnh, là nơi để họ gửi gắm ước mơ và câu chuyện chỉ thuộc về riêng mình.
Là Nhà lan tỏa ý nghĩa của những tổ ấm đích thực.
Chính những kiến trúc sư cũng chỉ cảm thấy thành công khi thực sự chạm đến nhu cầu và câu chuyện của mỗi gia chủ. Trong tập 1 Là Nhà, chứng kiến sự hài lòng của nhân vật khi căn nhà vỏn vẹn 58m2 trở thành một không gian hiện đại và tiện nghi, kiến trúc sư Trịnh Hiếu bộc bạch: "Khi thấy cả gia đình anh Lê xúc động và bật khóc, tôi cảm giác như mình vừa hiện thực hóa được giấc mơ của họ vậy. Cá nhân tôi rất trân trọng và tự hào với những gì cả nhóm đã bỏ ra".
Là Nhà đang cho thấy chất lượng của một show kiến trúc "thế hệ mới", khi vừa có thể dung hòa những lối kiến trúc cũ - mới, vừa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng khác nhau, tạo nên không gian sống lý tưởng cho cả gia đình nhiều thế hệ. Hơn thế, chương trình còn định hình cho khán giả cách xây dựng nên những tổ ấm đích thực, nơi trở về đầy thân thương của mỗi chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!