Đáng chú ý, nhiều trường hợp say nắng dẫn tới bị đột quỵ. Theo Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày đơn vị này tiếp nhận 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp.
Theo Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người già và trẻ em là đối tượng dễ bị say nắng say nóng do khả năng điều hòa thân nhiệt kém. Bên cạnh đó là người lao động trong môi trường nắng nóng, mất nước nhưng không uống đầy đủ nước.
Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê.
Một điều cần nhấn mạnh là khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là "thời điểm vàng" để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.
Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau:
Bước 1: Gọi xe cấp cứu.
Bước 2: Di chuyển người bị say nắng đến nơi râm mát, cởi bỏ trang phục không cần thiết, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể.
Bước 3: Làm mát cơ thể người bệnh bằng quạt, khăn ướt, túi đá ở cổ, nách, bẹn (tuyệt đối không cho uống Aspirin/ Acetaminophen.
Bước 4: Đánh giá mức độ tỉnh táo của người say nắng (lay gọi, tiếp xúc…). Nếu người bị say nắng đã tỉnh táo thì tiến hành đỡ dậy, cho uống bổ sung chất điện giải, nước. Nếu người bị say nắng chưa tỉnh, hãy tiếp tục làm mát cơ thể để hạ nhiệt độ trong thời gian chờ xe cấp cứu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!