Theo Khảo sát "Phụ nữ tại môi trường làm việc châu Á" do Agoda thực hiện, sự công khai minh bạch về cơ hội phát triển, môi trường làm việc linh hoạt và khả năng tiếp cận các cơ hội là ba yếu tố cấp thiết nhất mà các công ty cần áp dụng để tạo ra môi trường làm việc đa dạng về giới tính hơn. Những yếu tố này được đánh giá cao hơn cả nhu cầu trả lương không phân biệt giới tính và sự hỗ trợ nuôi dạy con nhỏ. Khảo sát này được thực hiện tại 10 thị trường châu Á với sự tham gia của 12.000 người.
Dữ liệu thu thập cho thấy sự khác biệt quan điểm liên quan đến tuổi tác nhiều hơn là theo giới tính. Về tổng thể, sự công khai minh bạch về cơ hội phát triển đứng đầu bảng. Tuy nhiên, khi phân tích giữa các nhóm tuổi, chỉ có 38% nhóm 18-24 tuổi đồng ý với quan điểm, trong khi đó con số này là 49% ở những người ở nhóm trên 55 tuổi. Các yếu tố ưu tiên cũng xếp hạng khác nhau theo giới tính. Cụ thể, nhóm thuộc phi nhị nguyên (non-binary) quan tâm các yếu tố hòa nhập xã hội, hòa nhập nơi làm việc và sự cân bằng giới tính ở các vị trí cấp cao nhiều hơn so với những giới tính khác, họ xem đó là những ưu tiên hàng đầu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công việc.
Bà Eliana Carmel, Giám đốc Nhân sự tại Agoda cho biết những phát hiện này có ý nghĩa lớn đối với các nhà tuyển dụng đang muốn giữ chân nhân tài tại khu vực châu Á. "Điều quan trọng nhất là phải tạo ra được văn hóa khiến mọi người cảm thấy được tôn trọng về mặt xã hội lẫn nghề nghiệp. Trong đó, như khảo sát đã chỉ rõ, sự công bằng về cơ hội phát triển, bao gồm khả năng thấy được những cơ hội sẵn có và khả năng tiếp cận các công cụ, chương trình đào tạo là các yếu tố được quan tâm. Các tổ chức và doanh nghiệp muốn tuyển dụng được nhân sự chất lượng cần phải đưa ra cho họ lộ trình nghề nghiệp, mục tiêu rõ ràng cũng như cho thấy đường hướng phát triển của doanh nghiệp như thế nào".
Gần một nửa số người tham gia khảo sát (46%) tin rằng vẫn còn tồn tại một rào cản vô hình đối với phụ nữ tại đất nước họ. Tỷ lệ đồng ý cao nhất là ở Việt Nam (63%), tiếp theo là Thái Lan (56%) và Đài Loan (53%). Philippines là quốc gia có tỷ lệ đồng ý thấp nhất (27%). Khi tiến hành khảo sát sâu hơn, kết quả khảo sát cho thấy 41% nam giới và người thuộc nhóm phi nhị nguyên giới tin rằng rào cản vô hình vẫn còn tồn tại, ít hơn so với nữ giới (52%). Ngoài ra, các nhóm tuổi cũng có nhìn nhận khác biệt: nhóm tuổi 18-24 đồng ý quan điểm chiếm 53%, nhiều hơn nhóm người trên 45 tuổi (42% ).
Người lao động trong độ tuổi 18-24 có nhiều khả năng đã nghỉ việc hoặc biết ai đó đã nghỉ việc vì bị phân biệt đối xử giới tính. Cụ thể, 35% trong số họ cho biết đã nghỉ việc hoặc biết người nào đó đã làm điều này, so với 12% người trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên.
Môi trường làm việc cho phụ nữ đang có những thay đổi tích cực
Gần 70% người tham gia khảo sát nhận định trong 5 năm qua, môi trường làm việc cho phụ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực (41% khẳng định chỉ cải thiện nhỏ, 28% tin rằng đã cải thiện mạnh mẽ), chỉ 8% người được hỏi cho rằng môi trường làm việc cho phụ nữ đi theo chiều hướng tiêu cực. Xét theo giới tính, 32% nam giới nhận ra sự tiến bộ vượt bậc, đối lập với 25% ở nữ giới và 24% ở người phi nhị nguyên giới. 42% phụ nữ cho rằng môi trường làm việc cho nữ cải thiện chưa đáng kể, so với 39% nam giới và 37% người không theo giới tính nào.
Xét trên góc độ thị trường, dữ liệu cho thấy môi trường làm việc cho phụ nữ ở Nhật Bản và Hàn Quốc không mấy khả quan, với 57% người cho rằng không hề có sự thay đổi và 40% người khẳng định tình hình tệ hơn trong 5 năm qua. Ngược lại, môi trường làm việc cho phụ nữ ở Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan được cho rằng là đã cải thiện đáng kể, tương ứng với 44%, 36%, 36%, 35% và 28% người được khảo sát tại các thị trường ủng hộ quan điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!