Khát vọng trồng người nơi đảo xa

Hà Mai, Chí Hiếu-Thứ hai, ngày 24/06/2024 13:43 GMT+7

VTV.vn - "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người" - lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn tới hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị giữa ngàn khơi xa xôi.

Có những giáo viên nhớ lời Bác dạy, đã tình nguyện xung phong đến với vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ Quốc để gieo chữ, ươm mầm cho thế hệ tương lai của đất nước. Ở đâu có chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, ở đó sự nghiệp ươm mầm cho những thế tương lai vẫn cứ tiếp nối và phát triển.

Thầy giáo Phan Quang Tuấn (Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) chia sẻ: "Tôi là giáo viên tiểu học và đã trải qua 36 năm công tác. Năm nay là năm công tác thứ 37 của tôi, tôi đăng ký ra Trường Sa để giúp các cháu có con chữ, có kiến thức nhất định theo lứa tuổi của mình. Tuy là giáo viên tiểu học, nhưng ra đây tôi kiêm các cháu từ mầm non đến tiểu học. Ở đây các cháu rất ít, chỉ có 8 cháu trong lớp. Sau mỗi giờ dạy, tôi rất vui, vì các cháu cũng năm được ít nhiều kiến thức mình muốn dạy các cháu".

Khát vọng trồng người nơi đảo xa - Ảnh 1.

Lớp học giữa ngàn khơi xa xôi

Tại Trường Sa, nơi nào có trường, có học sinh, là luôn có những thầy cô tình nguyện đồng hành cùng các em. Mang trong mình không chỉ tình yêu với con trẻ, mà còn là tình yêu với biển đảo quê hương.

Thầy giáo Ưng Văn Tuấn (Trường Tiểu học đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) chia sẻ: "Với tình yêu biển đảo, được nghe và xem trên báo đài nên tôi rất muốn được ra đảo dạy học. Do biên chế mỗi đảo chỉ có 2 giáo viên nên các thầy phải phân việc cho nhau. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có nhiều kinh nghiệm dạy trẻ mầm non, sau dần các em cũng ngoan".

Do đặc thù trên đảo học sinh ít, lớp học ghép nên thường có các học sinh ở nhiều trình độ khác nhau. Giáo viên vừa là người thầy, vừa là "bảo mẫu" chăm sóc, dỗ dành các em nhỏ hơn. Nhớ lời Bác dặn, các thầy giáo luôn nỗ lực vượt khó "tất cả vì học sinh thân yêu".

Thầy giáo Lưu Phước Thịnh (Trường Tiểu học đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) cho biết: "Nếu mình phân phối các môn học không hợp lý, nhiều lúc sẽ phải chạy theo mấy cháu. Với những cháu hoàn thành nhanh, lớp này đang giảng mà lớp kia hoàn thành bài rồi thì mình thường bị đuổi ở những khúc như vậy. Nhưng sau này dần dần mình cũng đã rút nhiều kinh nghiệm".

Em Nguyễn Thanh Phong (Trường Tiểu học đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) chia sẻ: "Con rất yêu trường con. Dù lớp học chỉ có 8 người nhưng rất vui. Các thầy rất gần gũi, dạy dễ hiểu và dịu dàng với chúng con.

Khát vọng trồng người nơi đảo xa - Ảnh 2.

Thầy giáo Lưu Phước Thịnh cho biết: "Mình xem các cháu cũng giống như con cháu trong nhà. Các cháu cũng xem mình như người thân. Mình cũng vơi bớt nỗi nhớ người thân".

Thầy giáo Ưng Văn Tuấn (Trường Tiểu học đảo Đá Tây, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) chia sẻ: "Chúng tôi muốn các em biết đọc, biết viết, học thật tốt…".

Thầy giáo Phan Quang Tuấn bày tỏ: "Chúng tôi mong điều kiện giảng dạy tốt hơn nữa như áp dụng công nghệ thông tin, có các bài giảng, hình ảnh sống động hơn cho các cháu dễ tiếp thu hơn".

Quần đảo Trường Sa những ngày này nắng vàng như rót mật. Những đứa trẻ bi bô đánh vần và những người thầy giáo lặng thầm gieo chữ. Những người gieo chữ đều tâm niệm rằng "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước