Khi các rạn san hô kêu cứu

Song Anh (Theo nytimes)-Thứ bảy, ngày 28/09/2024 08:45 GMT+7

VTV.vn - Các nhà khoa học cho biết, nhiều rạn san hô trên thế giới đang bị tẩy trắng, nếu điều kiện môi trường không được cải thiện đủ nhanh, san hô sẽ chết.

Các nhà khoa học cho biết, các rạn san hô trên thế giới đang gặp nguy hiểm do sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ quá cao khiến nhiều rạn san hô bị tẩy trắng, nếu điều kiện môi trường không được cải thiện đủ nhanh, san hô sẽ chết.

Khi các rạn san hô kêu cứu - Ảnh 1.

Hiện tượng san hô tẩy trắng hàng loạt

Nghiên cứu mới được đưa ra khi các rạn san hô trên thế giới đang phải đối mặt với đợt tẩy trắng lan rộng nhất được ghi nhận. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, từ tháng 1/2023 đến tháng 8 năm nay, 74% diện tích rạn san hô của đại dương đã bị tẩy trắng khi chịu áp lực của nhiệt độ tăng cao. Kỷ lục trước đó xảy ra từ năm 2014 đến năm 2017 là 65,7%. 

Tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học tuyên bố Trái đất đang trong đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lần thứ tư trong lịch sử và lần thứ hai trong thập kỷ qua. Thông báo này được đưa ra từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ và Sáng kiến ​​Rạn san hô Quốc tế.

Dự đoán mới nhất của các nhà khoa học thật đáng lo ngại: Ngay cả khi nhân loại hành động nhanh chóng để kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, 70% đến 90% các loại san hô tạo nên các rạn san hô ngày nay có thể chết trong những thập kỷ tới. Nếu không hành động kịp thời, thiệt hại có thể lên tới 99% hoặc hơn. 

Khi các rạn san hô kêu cứu - Ảnh 2.

Màu trắng chết chóc của Great Barrier

Các rạn san hô hỗ trợ khoảng 1/4 các loài sinh vật biển, bảo vệ bờ biển khỏi bão và hỗ trợ các hoạt động như đánh cá và du lịch. Giá trị kinh tế của chúng ước tính khoảng 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Mặc dù có vẻ ngoài giống thực vật nhưng san hô là động vật, màu sắc rực rỡ của chúng đến từ các vi khuẩn sống bên trong, cung cấp cho chúng nhiều lợi ích. Một số sinh vật cộng sinh này cung cấp các chất dinh dưỡng và một số bảo vệ sức khỏe của san hô. Nhưng khi san hô bị căng thẳng, chúng sẽ loại bỏ các sinh vật cộng sinh của mình - một hành động được ví như việc quyên sinh.

San hô có thể tẩy trắng để đối phó với một loạt các mối đe dọa, nhưng ngày nay chúng thường làm như vậy vì nhiệt độ nước quá cao. Từ cuối năm 2023 đến tháng 8 năm nay, nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục ở nhiều khu vực. Đây là một thảm họa đối với san hô. Vào mùa Hè năm 2023 ở Bắc bán cầu, hiện tượng tẩy trắng trên diện rộng đã xảy ra ở Florida Keys, Caribe và phía Đông Thái Bình Dương. Mùa Hè năm ngoái ở Nam bán cầu đã có thêm phần lớn san hô nằm trong rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier cũng rơi vào danh sách thương vong đó. Và đầu năm nay, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng hiện tượng tương tự có thể xảy ra trên khắp Ấn Độ Dương và vùng biển phía Bắc Australia.

Khi các rạn san hô kêu cứu - Ảnh 3.

Nếu nhân loại không hành động kịp thời, các rạn san hô sẽ chết

Các hiện tượng san hô bị tẩy trắng trên quy mô lớn hoặc toàn cầu được kích hoạt bởi nhiệt độ nước biển ấm lên do phát thải khí nhà kính khi con người đốt nhiên liệu hóa thạch và phá hủy những nơi tự nhiên lưu trữ carbon. Khi san hô chuyển sang màu trắng, chúng chưa chắc đã chết hay sẽ biến mất vĩnh viễn. Nếu điều kiện được cải thiện, chúng có thể sống sót sau quá trình tẩy trắng này. Theo thời gian, các rạn san hô có thể phục hồi trở lại. Tuy nhiên, khi thế giới trở nên ấm hơn, việc tẩy trắng không thường xuyên sẽ trở thành tẩy trắng thường xuyên. Tẩy trắng nhẹ đang trở thành tẩy trắng nghiêm trọng.

Nguy cơ tàn lụi của Great Barrier

Theo các nhà khoa học ở Australia, những người đã công bố nghiên cứu mới về sức nóng ở đại dương, thế hệ này có thể sẽ chứng kiến ​​sự tàn lụi của rạn san hô Great Barrier, trừ khi nhân loại hành động khẩn cấp hơn để kiềm chế biến đổi khí hậu. Nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư trên Tạp chí Nature cho thấy, nhiệt độ khắc nghiệt gần đây ở vùng biển có rạn san hô Great Barrier đang ở mức cao nhất trong vòng 400 năm qua. 

Khi các rạn san hô kêu cứu - Ảnh 4.

Great Berrier khi khỏe mạnh

Great Barrier được coi là cấu trúc sống lớn nhất trên Trái đất. Ben Henley, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Melbourne và là tác giả của nghiên cứu trên, cho biết: “Nắng nóng khắc nghiệt xảy ra quá thường xuyên khiến san hô không thể thích nghi và tiến hóa hiệu quả. Nếu không hành động gấp rút để kiềm chế tình trạng nóng lên của Trái đất, thế hệ chúng ta có thể sẽ chứng kiến ​​sự tàn lụi của một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại của Trái đất: Rạn san hô Great Barrier”. 

Bà Tanya Plibersek, Bộ trưởng Môi trường Australia cho biết: Chính phủ hiểu trách nhiệm của mình trong việc hành động trước biến đổi khí hậu và bảo vệ rạn san hô. Bà chỉ ra một đạo luật gần đây kêu gọi giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030 và áp dụng các biện pháp trị giá 1,2 tỷ USD để bảo vệ rạn san hô.

Đến nay, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng tẩy trắng hàng loạt liên tục xảy ra ở rạn san hô Great Barrier vào các năm: 2020, 2022 và 2024, khi sức nóng đại dương toàn cầu phá vỡ kỷ lục. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước