Cận thị là một dạng tật khúc xạ thường gặp và được chia làm hai loại: Tật cận thị và bệnh cận thị. Với những bệnh nhân bị bệnh cận thị là những trường hợp bẩm sinh, có yếu tố di truyền, độ cận cao và mức độ cận tăng nhanh, nhiều ngay cả khi đến tuổi trưởng thành.
Cận thị học đường là bệnh thường gặp ở lứa tuổi học trò. Cận tiến triển chậm, tăng độ ít, độ cận thường ổn định khi đến tuổi trưởng thành.
Các nghiên cứu cho thấy chỉ nên mổ cận khi ở tuổi trưởng thành tức là 18 tuổi trở lên khi đó độ cận đã ổn định.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hằng, bệnh viện Mắt Quốc Tế, hiện có rất nhiều phương pháp mổ cận thị, nhưng phổ biến nhất là phương pháp Lasik. Lasik là phương pháp mổ hiện đại dùng dao vi phẫu tạo một vạt giác mạc, rồi chiếu tia laser để chỉnh độ cận…
Các nghiên cứu cho thấy phương pháp này có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên người bệnh cần được khám sàng lọc kỹ để loại trừ một số bệnh, yếu tố chống chỉ định, cũng như một số nguy cơ gây biến chứng.
Các bác sĩ cho biết sau khi mổ cận thị bằng phương pháp Lasik bệnh nhân cần phải tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, trong tuần đầu sau mổ hạn chế xem ti vi, sử dụng máy vi tính.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Hẳng, không phải ai bị cận thị cũng có thể mổ được đặc là những người đang có các bệnh cấp hoặc mạn tính tại mắt như: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, glôcôm, giác mạc hình nón...
Bên cạnh đó, người có các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, bệnh ác tính, phụ nữ đang có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú cũng không được mổ mắt.