Một công trình nghiên cứu lớn kết luận không có mối liên hệ giữa căn bệnh ung thư buồng trứng và việc sử dụng bột tan. (Ảnh: Getty Images)
Theo công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), nhóm nghiên cứu, do chuyên gia Katie O'Brien thuộc Viện Khoa học, sức khỏe và môi trường quốc gia đứng đầu, đã tổng hợp dữ liệu của 4 nghiên cứu lớn, bao gồm dữ liệu thu thập từ 250.000 phụ nữ trong giai đoạn từ năm 1982-2017.
Các nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 1-2 năm/lần với hàng loạt câu hỏi liên quan đến sức khỏe, trong đó có việc sử dụng bột tan - thành phần thường có trong phấn rôm và các loại mỹ phẩm khác - ở vùng sinh dục. Trong số các nữ tình nguyện viên tham gia khảo sát trong khoảng thời gian trung bình 11,2 năm, có 2.168 người mắc bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, nghiên cứu không phát hiện mối liên hệ nào về mặt thống kê khi tiến hành so sánh giữa nhóm phụ nữ sử dụng bột tan và nhóm phụ nữ chưa bao giờ sử dụng loại bột này. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào khi so sánh về tần suất hoặc thời gian sử dụng.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cho biết nghiên cứu này vẫn có nhiều hạn chế do 2 trong số 4 dữ liệu được tổng hợp thiếu những thông tin về tần suất và thời gian sử dụng bột tan.
Bột tan được khai thác từ đất và là nguồn khoáng vật không thể tái tạo. Trong nhiều thập niên qua, nhiều phụ nữ đã sử dụng bột tan để vệ sinh vùng kín bằng nhiều cách như thoa trực tiếp hoặc qua đồ lót và băng vệ sinh. Thói quen này phổ biến hơn ở những phụ nữ thế hệ trước. Tuy nhiên, việc sử dụng loại bột này đã gây ra nhiều tranh cãi vì tiềm ẩn các nguy cơ gây ung thư.
Năm 2018, hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới Johnson & Johnson đã phải bồi thường 4,7 tỷ USD cho 22 nữ khách hàng để dàn xếp vụ kiện cáo buộc chất amiang trong các sản phẩm chứa bột tan của hãng là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng. Hiện Johnson & Johnson đang tiến hành các thủ tục kháng cáo.
Kết quả của một số nghiên cứu công bố trước đây cho thấy những người sử dụng bột tan có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn so với những người không sử dụng. Các nhà khoa học cho rằng bột tan có thể xâm nhập buồng trứng qua âm đạo và tử cung. Tuy nhiên, kết luận này vẫn gây tranh cãi do số lượng các nghiên cứu được thực hiện còn thấp, trong khi những nghiên cứu khác không đưa ra được những kết luận mang tính thống kê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!