Đối với bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần có một chế độ luyện tập và ăn uống theo sự chỉ định của bác sỹ. Các môn thể thao nên tập như bóng bàn, tenis, lau nhà hàng ngày, nhưng nhẹ nhàng và chỉ tối đa 30 phút mỗi ngày. Người bệnh nên thường xuyên đi bộ hay tự mình lên xuống cầu thang, nhưng không được phép ngủ trưa quá 30 phút.
Bản đồ dinh dưỡng về chế độ ăn cho thấy, người bị tiểu đường không cần phải kiêng quá nhiều thực phẩm, kiêng ăn một cách đột ngột và không nên áp dụng một thực đơn cho tất cả người bệnh. Mỗi người có chiều cao, cân nặng có thể giống nhau nhưng sự hấp thu năng lượng lại khác nhau.
Bác sỹ Phan Hướng Dương - Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng, phải được xây dựng trên bệnh lý, thói quen, ăn uống. Trong trường hợp có người bệnh do tâm lý thì ăn quá ít, quá nhiều đều không tốt. Ăn ít sẽ dẫn đến suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần. Ăn nhiều cũng không tốt, tuyến tụy sẽ phải hoạt động nhiều".
Cuộc sống bận rộn, lo toan đang tạo ra nhiều sức ép và stress với nhiều người. Chúng ta càng ngày càng có nhiều phương tiện công cộng, nhiều nhà cao tầng nhưng sự nhiệt tình lại ít đi và lười vận động. Bệnh tật ngày một nhiều hơn, càng ngày càng ít người có sức khỏe tốt và bệnh tiểu đường là hậu quả của việc thay đổi lối sống.
Theo Giáo sư Tạ Văn Bình - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chúng ta phải có sự điều chỉnh về lối sống, ăn uống hợp lý để tạo cân bằng, không nên để tích lũy thừa.
Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính không lây. Người bệnh sẽ buộc phải chung sống với nó suốt đời. Những nguyên nhân và hậu quả của căn bệnh chính là lời cảnh báo cho mỗi người cần phải quan tâm đến sức khỏe và cuộc sống của mình nhiều hơn.
Tin bài liên quan:
Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường - "Kẻ giết người thầm lặng"