Ghé thăm làng Lai Triều, có thể dễ dàng cảm nhận được mùi thơm của hương từ xa. Đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân sàng hương, bó hương… Công việc sản xuất hương diễn ra quanh năm nhưng vào những tháng cuối năm là quãng thời gian tất bật, nhộn nhịp nhất để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Làng hương trầm Lai Triều nổi tiếng với sản phẩm có mùi thơm mê mẩn đặc trưng. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Làng hương trầm Lai Triều nổi tiếng với sản phẩm có mùi thơm mê mẩn đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Những ngày này, Trên khắp các đường làng, ngõ, xóm, hương được rải đều tăm tắp một màu vàng, màu đỏ của hương trên các giá phơi khắp. Ở đây hương được phơi khắp nơi, trên mái nhà, ở mỗi sân nhà, ngay cả những cánh đồng lúa vừa gặt xong cũng được tận dụng để phơi hương. Không khí lao động sản xuất tại các cơ sở làm hương diễn ra nhộn nhịp. Người trộn bột, người xe hương, người phơi, người đóng gói, ai nấy đều cố gắng nhanh tay để hoàn thành những đơn hàng.
Những bó chân hương được nhuộm màu, bó lại khi phơi đẹp như những bông hoa. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Để phục vụ cho việc sản xuất hàng Tết, bắt đầu từ đầu tháng 10 âm lịch hàng năm, các hộ sản xuất trong làng đã ráo riết chuẩn bị những nguyên vật liệu, tập trung nhân lực để bắt tay vào làm.
"Ở đây chúng tôi làm hương quanh năm nhưng dịp Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ hương lớn nhất. Nguồn hàng ngày Tết gấp đôi so với những tháng thường ngày. Cơ sở của tôi cứ mỗi dịp này phải thuê thêm nhiều nhân công làm việc từ sáng sớm đến đêm muộn, thậm chí trả lương theo sản phẩm để có thể kịp đơn hàng cho khách", bà Phạm Thị Thoa (58 tuổi), chia sẻ.
"Nghề làm hương tuy không vất vả như làm nông, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ": bà Phạm Thị Thoa chia sẻ. (Ảnh: Nguyễn Xuyến)
Theo những người làm hương ở đây, hương từ các cơ sở kinh doanh của thôn Lai Triều đều được làm từ rễ cây trầm, cây trám trộn lẫn với những cây cỏ thiên nhiên, trong đó có cây hương bài, mía ngọt…tạo nên mùi thơm đặc trưng. Để làm ra được một nén hương thành phẩm cần phải trải qua rất nhiều công đoạn từ trộn nhựa trám với bột than, chẻ vầu, vót tăm, lột tăm, phơi tăm cho đến vê bột rồi lại tiếp tục phơi khô que hương…
Từ công đoạn sản xuất đến công đoạn phơi khô được thủ công nên hương Lai Triều luôn có một vị thơm ngọt ngào thanh khiết, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bà Phùng Thị Mây đang tất bật phơi cây hương khi mới se bột hương trầm. Ảnh: Nguyễn Xuyến
"Làm hương không nặng nhọc nhưng công việc lại tùy thuộc rất nhiều vào thời tiết, chỉ nắng thì mới phơi được chân hương. Hương được hong khô ngoài nắng và gió sẽ giữ được mùi thơm trầm dịu, Mỗi khi có nắng, sẽ tranh thủ đưa hương ra để phơi ngay. Mọi chỗ trống đều được tận dụng hết mức", bà Phùng thị Mây (58 tuổi) chia sẻ.
Hầu hết các cơ sở đều sản xuất nhiều loại hương, tùy theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là hương bài và hương đen với độ dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Giá cả vì thế cũng có sự chênh lệch, dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/bó.
Hương trầm được người dân phơi đỏ cả sân. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Riêng loại hương sào được bán với giá đắt nhất là 50.000 -100.000 đồng/10 cây. Loại này có ưu điểm cây to, rất thơm và lâu tàn, cháy từ 8 - 10 tiếng.
Nói về công việc làm hương cũng như thu nhập người dân nhận được từ nghề này, ông Nguyễn Trường Ca Chủ tịch UBND xã Dương Phúc cho biết: "Hiện nay, làng Lai Triều có gần 100 hộ làm hương thơm. Nghề làm hương ở Lai Triều đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình 1 năm làng Lai Triều cung cấp ra thị trường 100 triệu nén hương với doanh thu từ 25 - 30 tỷ đồng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!