Dòng họ Nguyễn Cảnh có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An.
Với 25 đời con, cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc.
Dòng họ Nguyễn Cảnh từng có 18 người được phong quận công, 72 người được phong tước hầu. Trong đó, có nhiều trọng thần như Thái bảo Tả Tư không Thư quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô Úy Tả Tư mã Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà, Tả đô đốc Phó tướng Liêu quận công Nguyễn Cảnh Quế… Dòng họ Nguyễn Cảnh từng được vua Lê ban 8 chữ vàng "Trung cần nhân nghĩa – Bảo hộ quốc dân".
Nguyễn Cảnh Hoan thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy.
Thời kỳ đem quân vào ứng cứu Nghệ An, Nguyễn Cảnh Hoan và các tùy tướng đóng đại bản doanh, xây hào lũy ở khu vực Nam Đường, vỗ về dân chúng ở đây. Vùng Lưu Sơn, Đô Lương được ông dạy cho cách ép mía làm mật, dân cư ven sông Lam được ông chỉ cho nghề nuôi tằm dệt vải. Ông cũng cho bắc nhiều cầu trên sông Đa Cương.
Giữa thời kỳ Lê – Mạc phân tranh, nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh vùng Thanh - Nghệ, Nguyễn Cảnh Hoan bị thuộc tướng làm phản. Ông rơi vào mai phục của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, bị bắt và đem về Thăng Long.
Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn tìm cách lôi kéo, mua chuộc nhưng ông cự tuyệt, một mực giữ lòng trung thành với vua Lê. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị giết tại Thăng Long.
Thương tiếc một danh tướng giỏi, một bầy tôi trung thành, vua Lê đã truy phong ông là Thái phó Tấn Quốc công Binh bộ Thượng thư, và phong là Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại Vương, xếp vào hàng Trung đẳng thần, cúng tế và hương hỏa hằng năm. Đồng thời, ban thêm cho con cháu đất vùng Ngọc Sơn, Nông Sơn, Hồ Sơn thuộc vùng Nam Đường làm thái ấp.
Để tưởng nhớ công đức lớn lao của Thái phó Tấn Quốc công, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn ngài là Đức thánh Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan.
Sắc chỉ triều đình nhà Lê lập đền thờ chính của Ngài ở thôn Chân Ngọc, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Năm 1991, đền thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Ngoài đền thờ chính ở Tràng Sơn, Ngài còn được thờ ở đền Phú Thọ thuộc xã Lưu Sơn (Đô Lương), đền Hữu ở xã Thanh Yên, phủ thờ ở xã Thanh Văn (Thanh Chương), đền thờ tại Hồ Nón (Nam Đàn)... Phần mộ của Ngài hiện thuộc Rú Cấm, xã Tràng Sơn huyện Đô Lương.