Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ

Vân Anh-Chủ nhật, ngày 18/02/2024 14:12 GMT+7

VTV.vn - Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bản tỉnh Phú Thọ trong dịp đầu năm mới.

Theo truyền thuyết, vào mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con trai. 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, người con cả lên ngôi vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. 49 người con còn lại cùng mẹ Âu Cơ đi tiếp qua nhiều vùng khác nhau. Đến xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mỡ… mẹ Âu Cơ liền dừng chân lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. 

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Hạ Hòa - Phú Thọ nổi chiêng, trống khai lễ

Khi trang ấp đã ổn định, Nhân dân đã biết khai khẩn ruộng nương sinh sống, Mẹ Âu Cơ chọn ngày 25 tháng Chạp cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa một dải lụa đào. Chính tại nơi này, Nhân dân đã dựng ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Từ đó hằng năm, Nhân dân lấy mùng 7 tháng Giêng là ngày "Tiên giáng" và ngày 25 tháng Chạp là ngày "Tiên thăng".

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 2.

Quang cảnh lễ dâng hương

Theo các cụ cao niên xã Hiền Lương kể lại, không ai biết lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ chính xác có từ khi nào, chỉ biết rằng trải qua nhiều thế kỷ với những biến cố thăng trầm, cho đến nay lễ hội vẫn tồn tại và "sâu rễ, bền gốc" nơi đất thiêng. Đây là lễ hội lớn diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, mở đầu cho chuỗi lễ hội mùa xuân trên vùng Đất Tổ. 

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 3.

Rước kiệu từ Đình Đức Ông về Đền Mẫu Âu Cơ

Ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng Hiền Lương tổ chức nghi thức tế Tam vị Đức Ông tại đình Đức Ông - nơi thờ tam vị Đức Ông là Đức Thánh Cả (Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn) - người con trai thứ 2 của Mẫu Âu Cơ đã có công cai quản, bảo vệ dân làng Hiền Lương cùng 2 con trai của ngài là Hùng Trấn Quý Minh và Hùng Trấn Bảo Quốc.

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 4.

Rước kiệu Ngai

Ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày Tiên Giáng) - ngày chính lễ diễn ra lễ rước kiệu và lễ tế Nữ quan. Nghi lễ được thực hiện trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, thể hiện sự tưởng nhớ và tri ân Tổ Mẫu Âu Cơ - người mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam đã có công mở lối, đắp nền, xây dựng cơ đồ cho muôn đời con cháu.

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 5.

Rước kiệu Văn

Theo nghi thức truyền thống, để chuẩn bị cho lễ rước kiệu và tế nữ quan vào tháng Giêng, trước đó nhiều ngày, Ban Quản lý khu di tích phải chuẩn bị chu đáo mọi công việc: luyện tập các nghi thức tế lễ, vật phẩm dâng cúng, chỉnh trang khuôn viên… Đặc biệt, việc lựa chọn những người tham gia đội rước kiệu và tế lễ phải được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Đó là những nam, nữ có độ tuổi từ 16 - 18 và phải thành thục các nghi lễ tế. Đối với đội rước cờ, rước kiệu là các thanh niên trai tráng, có sức khỏe, đạo đức tốt, hình thức khôi ngô, tuấn tú; đội tế nữ là 21 nữ thanh tân, khỏe mạnh, xinh xắn, phẩm hạnh tốt.

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 6.

Sáng sớm mùng 7 tháng Giêng, các thành viên Ban phụng sự tế lễ và Nhân dân tập trung đông đủ ở sân đình Đức Ông. Đúng 7 giờ, đoàn rước kiệu thánh khởi hành rước kiệu từ đình về Đền Mẫu Âu Cơ. Đi đầu đoàn rước là đội cờ Tổ quốc, cờ hội, tiếp đến là các thiếu nữ mang tráp hương hoa, trầu cau, đội nhạc, cờ hội, đội chấp kích, bát bửu, kiệu văn, kiệu ngai, đội tế nữ. Sau kiệu là những vị chức sắc, các bô lão, đại biểu và dân làng đi trẩy hội.

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 7.

Nghi thức Tế nữ quan

Lễ tế nữ quan - nghi thức trang trọng, linh thiêng và đặc sắc nhất của lễ hội được diễn ra tại đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ sau khi đoàn rước về đến sân đền và lễ dâng hương, lễ vật. Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, đèn nến lung linh, tiếng nhạc bát âm réo rắt, tỏa ngát hương trầm, 21 nữ thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội mấn, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc áo màu đỏ bắt đầu làm lễ khai tế; rước ẩm thực, rước chúc và làm lễ dâng hương, đọc chúc văn tri ân công đức Tổ Mẫu và cầu cho quốc thái dân an, muôn dân no ấm, đất nước vạn đại trường tồn.

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 8.

Ngoài phần lễ, tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân và du khách khi về trẩy hội; đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Linh thiêng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - Ảnh 9.

Hội thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ

Trong không khí linh thiêng của đất trời khi vào xuân, mỗi người dân Việt Nam cùng hướng về đất Mẹ Âu Cơ với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Hướng về nguồn cội, mỗi người sẽ có thêm niềm tin và sức mạnh để quyết tâm đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ giang sơn, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước