Mai vàng Yên Tử - cây quý ngày Tết “độc nhất vô nhị” của đất Bắc

Theo Trường Giang/VOV-Thứ sáu, ngày 05/02/2016 18:30 GMT+7

VTV.vn - Ít ai biết rằng giữa đất Bắc lạnh giá cũng có mai, lại là giống mai vàng sinh trưởng trên dãy núi thiêng Yên Tử (Quảng Ninh), được mệnh danh là Đại lão mai vàng.

Mỗi dịp xuân về có hàng trăm loài hoa đua nở, nhưng đối với người đất Bắc, xuân sẽ không đủ sắc hương nếu thiếu đi cánh hoa đào, và với người phương Nam, hoa mai cũng không thể thiếu. Ít ai biết, miền Bắc cũng có hoa mai sinh trưởng, không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn có giá trị kinh tế cao.

Đại lão mai vàng nở rộ trên núi Yên Tử.
Đại lão mai vàng nở rộ trên núi Yên Tử.

Hoa mai vốn có màu vàng tươi, tượng trưng cho sức sống tràn đầy trong ngày xuân của đất phương Nam. Thấy mai, người Nam biết Tết đã gần kề, ánh nắng ấm áp tràn ngập lòng người. Nhưng có lẽ, ít ai biết rằng giữa đất Bắc lạnh giá cũng có mai, lại là giống mai vàng sinh trưởng trên dãy núi thiêng Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), được mệnh danh là Đại lão mai vàng với bao huyền thoại bí ẩn quanh mình.

Tương truyền rằng, thế kỷ 13, sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và lên núi Yên Tử tu hành, Ngài đã cùng các phật tử trồng cây mai vàng. Sau hàng thế kỷ, những cây mai đã trở thành rừng mai cổ thụ rộng lớn. Khảo sát của các chuyên gia năm 2009 cho thấy, rừng mai vàng ở Yên Tử có những cây cao hơn 15m, thân gân guốc, đường kính tới 60-70cm, sinh trưởng mạnh mẽ trên vách đá cheo leo.

Mai vàng Yên Tử có những đặc điểm khác biệt với mai miền Nam, lộc xanh, có mùi thơm nhẹ nhàng.
Mai vàng Yên Tử có những đặc điểm khác biệt với mai miền Nam, lộc xanh, có mùi thơm nhẹ nhàng.
Mai vàng Yên Tử có giá trị lớn về văn hóa, tâm linh gắn với thiền phái Trúc Lâm.
Mai vàng Yên Tử có giá trị lớn về văn hóa, tâm linh gắn với thiền phái Trúc Lâm.

Tiến sĩ Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam cho biết: “Đặc điểm của cây mai vàng Yên Tử này là hình thái bên ngoài, mức độ phân bố hoa nhiều hơn, trên một cành có nhiều hoa hơn, từ gốc cho đến ngọn, có mùi thơm rất nhẹ nhàng, thanh khiết. Nó có nguồn gốc từ rất lâu đời rồi, vài trăm năm rồi, cho nên giả thiết của một số người đưa ra cây mai này xuất phát từ đời Trần Nhân Tông là hoàn toàn có lý”.

Mai vàng Yên Tử được khẳng định là cùng họ với mai vàng miền Nam và là một loài quý hiếm. Cũng sắc vàng, bông lớn, nhưng giống mai xứ Bắc lại có vẻ đẹp riêng, 5 cánh xòe rộng, lộc xanh chứ không đỏ, có mật cho ong hút và đặc biệt, trời càng lạnh, hoa càng tỏa hương thanh khiết. Mai vàng Yên Tử càng trở nên quý hơn bởi sống trong rừng già đầy sương gió, có sức sống bền bỉ, kiên cường. Ngày xuân, cả rừng hoa nở rộ, nhìn xa như tấm áo cà sa vàng rực phủ lên non thiêng, mang vẻ đep nhân văn và giá trị tâm linh gắn với thiền phái Trúc Lâm đầy sâu sắc, ý nghĩa.

Vài năm trở lại đây, khi giá trị của mai vàng Yên Tử được nhìn nhận đúng đắn thì cũng là lúc giống mai này bị mai một. Sự khai thác thiếu bền vững của người dân khiến rừng mai cổ thụ đứng trước nguy cơ bị tàn phá. Số người có nhu cầu chơi mai vàng Yên Tử, trưng bày trong dịp Tết liên tục tăng cao. Không ít người lặn lội từ các tỉnh xa tới hỏi mua, sẵn sàng trả giá cao mà vẫn không thể tìm được cây ưng ý.

Năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức phê duyệt dự án bảo tồn mai vàng Yên Tử. 8,2 tỷ đồng từ ngân sách và vốn xã hội hóa đã được huy động để khôi phục, bảo tồn loài cây độc đáo này, biến mai vàng trở thành loài hoa đặc trưng cho vùng đất Yên Tử.

Anh Phạm Văn Quy, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) - người đã trực tiếp trồng và chăm sóc, “ăn ngủ” cùng mai Yên Tử từ 6 năm nay cho biết: “Đầu tiên tôi lên trên rừng lấy giống ở Đại lão mai vàng nhân giống trước, rồi ra ngoài lần tìm những cây mai thất thoát ở các hộ dân mang về. Diện tích bảo tồn khoảng 10ha, trồng ở trạm 1 và ngay chùa Trình, điểm đến thu hút hàng vạn người. Ngay từ đầu vào Yên Tử, mai vàng đã đón bà con đến nơi rồi”.

Mai vàng Yên Tử nay đã được trồng tại các hộ dân tại Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh).
Mai vàng Yên Tử nay đã được trồng tại các hộ dân tại Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh).

Ngoài ra, mai còn được khuyến khích trồng tại các hộ dân dưới chân núi non thiêng từ TP Uông Bí sang tới huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Năm 2014, mai vàng Yên Tử đã được công nhận chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa thể đưa vào sản xuất thương mại rộng rãi. Hiện nay, giá cây 4-5 năm tuổi đã vào khoảng 6-7 triệu đồng. Với công nghệ mới, thay vì nở vào tháng 2 ÂL, dịp trảy hội xuân Yên Tử, mai vàng đã có thể nở vào đúng dịp Tết, đáp ứng nhu cầu chơi hoa ngày xuân.

“Hiện nay dự án đang bảo tồn và phát triển, đưa mai vàng Yên Tử trở thành cây thương mại. Khi trồng chăm sóc tốt thì 3-5 năm mai mới cho hoa nên trong một vài năm tới chắc chắn sẽ có mai vàng Yên Tử thương mại để đáp ứng nhu cầu tâm linh, văn hóa của nhân dân”, ông Nguyễn Trung Hải, trường phòng Kinh tế TP Uông Bí, Chủ tịch Hội Mai vàng Yên Tử khẳng định.

Không phải ai cũng được chiêm ngưỡng Đại lão mai vàng giữa rừng già Yên Tử, nhưng với những dự án bảo tồn tâm huyết, có lẽ một ngày gần đây, những người yêu mai xứ Bắc sẽ có thể đứng dưới những tán mai được hậu thế trồng, thưởng hương hoa thoảng trong gió nơi đất Phật thanh tịnh. Hoặc hơn thế, có thể có một chậu mai vàng Yên Tử mang về chơi Tết, để sắc vàng ấm áp mang đến một năm mới may mắn và đầy sức sống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước