Trên thị trường hiện có nhiều loại quạt gió và máy điều hòa nhiệt độ gắn bộ phận tạo khí ozone. Theo quảng cáo của các nhà sản xuất, sau khi xử lý, ozone không những làm tăng dưỡng khí (ôxy) mà còn có tác dụng sát khuẩn, khử độc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn dung dịch hoạt hóa điện hóa & đèn tiết kiệm điện năng, một trong những bất cập lớn nhất của các máy tạo ozone trên thị trường hiện nay là không ghi rõ lượng ozone sinh ra bao nhiêu, có đảm bảo an toàn hay không và thời hạn hoạt động bao lâu.
“Ozone trong không khí với nồng độ quá 0,1 ppm theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ gây hại cho sức khỏe", tiến sĩ Khải nói. Ozone thừa có thể ôxy hóa hơi nước và không khí để tạo thành HNO3. Phân tử có tính acid này ăn mòn bản cực thiết bị tạo ozone và các đồ kim loại khác trong nhà, làm giảm nhanh tuổi thọ thiết bị. Ozone cũng có thể phản ứng với không khí để tạo ra SO2- cũng rất có hại cho sức khỏe và đồ gia dụng.
Tiến sĩ Khải cảnh báo, ngay cả khi nồng độ khí ozone tạo ra đạt yêu cầu, việc thường xuyên đóng cửa khi chạy máy tạo khí ozone cũng có thể làm nồng độ ozone trong phòng tăng lên.
Một nghiên cứu mới đây ở nước ngoài cho thấy, ngay cả khi nồng độ ozone nằm trong giới hạn cho phép, môi trường trong phòng cũng sinh độc nếu gia chủ sử dụng kết hợp một số chất tẩy rửa có thành phần bay hơi. Theo chuyên gia Sergey Nizkorodov thuộc Đại học California (Mỹ), nếu dùng chất tẩy rửa có mùi chanh, không khí trong phòng có thể bị nhiễm bẩn thêm một khi khí ozone được tạo ra. Các chất hữu cơ dễ bay hơi không bão hòa như limonene – có trong chất tẩy rửa để tạo mùi chanh – phản ứng với ozone để tạo ra các hạt bụi cực nhỏ mới, kẻ thù của hệ hô hấp.
Nhóm nghiên cứu đã đặt máy lọc không khí tỏa ozone ở giữa một phòng làm việc ít đồ đạc cùng một chiếc quạt to để trộn không khí tốt hơn. Một máy lọc ion thải 2 milligram ozone/giờ và máy kia tạo ra 100 milligram ozone/giờ. Khi limonene tỏa ra, nồng độ hạt bụi vi mô tăng nhanh ở cả hai trường hợp. Một số trường hợp, lượng bụi ô nhiễm tăng gấp 100 lần.
Theo giáo sư Phạm Huy Dũng, Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường, nồng độ bụi lơ lửng trong không khí cao có thể gây hen và bệnh tim mạch, thậm chí liên quan tới ung thư phổi và gây tử vong.