Nằm giữa "khúc ruột miền Trung", động Thiên đường luôn có một sức hút quyến rũ, khơi gợi sự tò mò cho những người say mê khám phá. Không quá lời khi nói rằng, vẻ đẹp huyền bí và kì ảo của nơi đây có thể xếp vào bậc nhất, nhì trên Thế giới.
Động Thiên Đường thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây đang sở hữu một vẻ đẹp kỳ bí của thiên nhiên với những tác phẩm miệt mài và đầy ngẫu hứng, được tạo hóa “thai nghén” và phát triển qua hàng trăm triệu năm.
Vào năm 2005, anh Hồ Khanh - một người dân địa phương đã tình cờ phát hiện ra hang động rộng lớn nằm ẩn sâu trong lòng Khu Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngay sau đó, các nhà khoa học, thám hiểm, cộng đồng trong nước và quốc tế đã thành lập các đoàn khảo sát tiếp cận và khám phá hang động này.
Động Thiên Đường có chiều dài 31,4 km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m, nơi rộng nhất 150m và có chiều cao từ đáy lên trần động khoảng 60m. Bên cạnh đó là hệ thống măng đá, nhũ đá có vẻ đẹp lung linh, huyền ảo vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Theo đánh giá của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, đây là hang động khô dài nhất châu Á.
Nếu du khách đã từng ghé Vịnh Hạ Long, Tam Cốc - Bích Động, Tràng An hay động Phong Nha,… thì khi đặt chân vào động Thiên Đường, phần lớn những kí ức cũ sẽ bị “xóa sổ”.
Động Thiên đường dễ khiến người ta choáng ngợp và liên tưởng về một thiên cung nơi trần thế. Nhiệt độ trong động luôn chênh với bên ngoài khoảng 16 độ nên du khách sẽ có cảm giác lạc vào một thế giới hoàn toàn khác.
Khác với một số hang động thường sử dụng hệ thống ánh sáng nhiều màu sắc để tạo nên vẻ hư ảo, trong động Thiên Đường chỉ có ánh sáng trắng phản chiếu, cho thấy màu sắc nguyên thủy của những khối thạch nhũ.
Du khách sẽ được thỏa chí tưởng tượng trước vô vàn các thạch nhũ nhiều hình thù khác nhau. Người khai phá ra chúng đã dùng những ngôn từ mỹ miều để đặt tên. Nào là Cung Thạch Hoa Viên với khối thạch nhũ như tượng đức mẹ đồng trinh tay bế hài đồng, nào là Cung Giao Trì - nơi Ngọc Hoàng bàn việc nước với các cận thần, xung quanh là tượng kỳ lân, chim phượng hoàng…
Với nhiều người, ấn tượng nhất vẫn là Tháp Liên Hoa mà ở mỗi góc nhìn sẽ mang đến những liên tưởng khác nhau. Thật ra, đó là khối thạch nhũ được hình thành từ những giọt nước bắn tung tóe không theo quy luật nào. Bên cạnh đó, không thể không kể đến Cung Quảng Hàn - nơi khối thạch nhũ rũ xuống trông như bức rèm the của tiên nữ hay Cung Quần Tiên hội tụ với cả quần thể tượng Phật A Di Đà,…
Đặc biệt, trong động có những khối thạch nhũ, măng đá mang hình ảnh biểu tượng văn hóa các vùng miền Việt Nam như Nhà rông Tây Nguyên, ruộng bậc thang Tây Bắc, những ao nước nhỏ của miền Bắc, Tháp Chàm - Phan Rang…
Mỗi khối thạch nhũ đứng độc lập hoặc gắn liền trong một quần thể, biểu lộ sự kì vĩ và bàn tay tài tình của tạo hóa. Trong động còn có một số cột nhũ lớn màu trắng, trong suốt như đá thạch anh. Đây là điểm rất hiếm thấy trong các hang động khác ở Phong Nha.
Mặc dù động Thiên Đường dù là một quần thể khép kín nhưng vẫn có ánh nắng vàng rực rỡ, khí trời thiên nhiên len lỏi thông qua những khe nứt nhỏ hoặc khu giếng trời. Chính yếu tố bất ngờ này đã tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản khi thăm thú động.
Nếu là người ưa mạo hiểm, thích tìm tòi hay muốn thử cảm giác mới, hãy tiếp tục hoàn thành hành trình khám phá động Thiên đường với tổng chiều dài lên đến 7,1km. Từ đây, du khách sẽ được đơn vị khai thác bố trí người dẫn đường, thức ăn, nước uống và các trang thiết bị bảo hộ cần thiết để trải nghiệm vẻ đẹp còn hoang sơ của hang động khô dài nhất châu Á.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!