Với thời gian thực hiện khoảng 2,5 - 3 tiếng đồng hồ, bạn đã có thể tạo nên một ngôi nhà xinh xắn bằng bánh quy gừng. Cách tạo bánh quy gừng thành hình ngôi nhà đã có từ những năm 1800 ở Đức, bắt nguồn từ câu chuyện cổ tích Grimm. Trong truyện, hai đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng bỗng tìm thấy ngôi nhà ăn được bằng bánh mì với các đồ trang trí bằng đường. Sau khi cuốn sách truyện cổ Grimm được xuất bản và nổi tiếng, các người thợ làm bánh bắt đầu làm những ngôi nhà cổ tích có thể ăn được. Dần dần những ngôi nhà này trở nên phổ biến vào dịp Giáng sinh.
Gừng không chỉ ngon mà còn có đặc tính giúp bảo quản bánh mì, tạo mùi thơm nhẹ, làm ấm cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa. Vì thế nhiều người yêu thích và dùng bánh gừng trong những ngày mùa đông lạnh giá.
Các bước trộn bột để làm bánh. (Ảnh: Nghĩa Phan)
Đầu tiên bạn trộn hỗn hợp bơ nhạt với đường, trứng gà và bột để hòa quyện. Bột bánh không dùng đường nâu, mà thêm vani tạo độ thơm ngậy cho bánh.
Dùng thước đo và các dụng cụ tạo hình bột bánh để có được hình dáng như ý. (Ảnh: Nghĩa Phan)
Bột được đặt giữa 2 lớp giấy nến và cán mỏng để không dính lên cây cán. Cán bột cho đến khi có độ dày khoảng 1 cm thì ngừng và gỡ lớp giấy ra để tạo hình. Sau khi cán bột thành hình như ý, trước khi đem nướng cần phải để bột nghỉ trong tủ mát. Như vậy bột không bị chảy và hỏng kết cấu khi đem nướng.
Theo các chuyên gia, khi làm bánh mọi người nên dùng bột lòng trắng trứng vì dễ mua, giá thành tốt, thay vì dùng lòng trắng trứng thông thường. Như vậy bạn dễ điều chỉnh được kết cấu, cũng như tránh vị tanh của lòng trắng trứng khi thao tác nếu không có kỹ thuật đánh trứng tốt để khử mùi tanh.
Bánh sau khi nướng có màu vàng nâu đẹp mắt. (Ảnh: Nghĩa Phan)
Bánh được nướng ở nhiệt độ 170 độ C trong lò khoảng 10 phút. Nhiệt độ này tùy theo kích thước bánh và lò nướng nên bạn cần điều chỉnh để phù hợp.
Sau khi bánh chín, bạn đợi bánh nguội rồi bắt đầu kết nối các phần với nhau. Nguyên liệu để kết nối các phần bánh với nhau gồm có bột lòng trắng trứng, đường, bột gelatin và nước. Bột lòng trắng trứng giúp định hình bánh được tốt hơn.
Dùng đường bột rắc lên phía trên lớp mái nhà để mô phỏng tuyết rơi. Phía dưới đế bánh là một chiếc bánh quy thật lớn để kết nối các phần lại với nhau. (Ảnh: Nghĩa Phan)
Sau đó bạn dùng màu là hỗn hợp đường, bột lòng trắng trứng và màu thực phẩm để tạo nên những màu sắc như ý cho lớp bột trang trí. Những hình dáng trang trí của mỗi ngôi nhà, mỗi đồ vật trang trí đều không giống nhau mà do trí tưởng tượng và sáng tạo của người làm bánh. Bạn có thể trang trí bằng những hình ảnh quen thuộc trong dịp Giáng sinh như cậu bé bánh gừng, bông tuyết, cây thông, món quà, ngôi nhà, đôi tất, ông già Noel, tuần lộc...
Chiếc bánh xinh xắn được trang trí hình người, món quà, cây thông... để tạo thêm không khí và màu sắc vui tươi. (Ảnh: Nghĩa Phan)
Trong điều kiện thời tiết mát mẻ, se lạnh vào những ngày cuối năm, bánh quy gừng có thể được bảo quản ở nhiệt độ bên ngoài mà không cần phải cất vào tủ lạnh. Bánh có thể sử dụng từ 3-5 ngày nhưng lưu ý bạn phải cất trong hộp hoặc đậy kín để tránh côn trùng, vì bánh có vị ngọt và mùi thơm lừng rất hấp dẫn.
Bánh quy gừng chứa nhiều đường và tinh bột nên không nên dùng quá nhiều, hoặc thường xuyên để đảm bảo sức khỏe.
Do bánh có nhiều vị ngọt từ đường làm chất bảo quản nên bạn có thể dùng bánh với trà, cafe để cân bằng vị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!