Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa

Thu Thảo - Phương Anh-Thứ sáu, ngày 23/08/2024 21:51 GMT+7

VTV.vn - Nét độc đáo của mùa thu Hà Nội không chỉ nằm ở vẻ đẹp tự nhiên mà còn trong những câu chuyện văn hóa gắn với ẩm thực, thú vui, thú chơi của người Hà thành.

“Lịch sử Thăng Long đâu chỉ là những lớp sóng phế hưng dồn dập từ đời vua này sang đời vua khác, kế tiếp nhau mà xây dựng cung điện nguy nga ven hồ Trúc Bạch, bên hồ Hoàn Kiếm? Nó còn là cuộc sinh hoạt hằng ngày của dân thành thị, với tất cả những phong tục, tập quán, với tất cả những nhân vật kỳ khôi, với tất cả cái vui, cái buồn, cái tức, cái giận nho nhỏ sống trong xó tối, không tên, không tuổi, không tiếng tăm lưu lại đời sau.” Đó là tựa cuốn sách “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam. Không phải ngày hôm nay Hà Nội mới đẹp bởi cả thiên nhiên, đất trời, con người và những nét văn hóa. Vẻ đẹp ấy đã được hình thành từ rất lâu, rất lâu về trước. Mùa thu Hà Nội cũng kể cho chúng ta nghe những câu chuyện thảo thơm như vậy.

Trước hết, Hà Nội khiến người ta mê mẩn bởi cái đẹp dung dị vốn có của trời đất, cỏ cây. Những ray nắng sớm nghiêng mình rọi qua tán lá, phả xuống đường Phan Đình Phùng; những xe hoa chở cả mùa thu đứng lại bên từng con phố; những “sáng mát trong như sáng năm xưa”; những bầu trời xanh ngắt màu độc lập, hòa bình,… đều đã trở thành tinh hoa của mùa thu nơi Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hà Nội những ngày “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. (Ảnh: Mỹ Linh)

Trong các sách vở, báo chí, người ta đã nhắc về ẩm thực và các thú vui, thú chơi như một nét độc đáo trong đời sống của người Hà Nội. Vậy Hà Nội vào thu có gì để ăn chơi? Cái thứ tưởng là dễ như ăn cháo ấy, nhưng lại chẳng phải. Đã đến đây thì phải ăn chơi cho đúng cái “chất” Hà thành.

Cái mát lành của thiên nhiên dẫn người ta ra đường. Tạo hóa đã ban tặng cho Thủ đô một mùa quá đỗi bình yên và có nhiều điều khiến ta đắm đuối. Mùa này, người đi dạo phố nhiều hơn. Cảm giác lang thang khắp phố phường, hít hà hương gió heo may, chầm chậm đi giữa dòng người hối hả, nghĩ về miên man cuộc đời, thật là đáng thử biết bao. Nhưng Hà Nội vào thu đâu chỉ để người người đi dạo phố? Người Hà Nội còn rủ nhau đi thưởng thức đặc sản, nói những câu chuyện đời, chụp ảnh, đi chợ, mua hoa, mua quả và chơi Tết.

Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 2.

Người Hà Nội xuống phố ngày thu. (Ảnh: Mỹ Linh)

Đặc trưng của mùa thu Hà Nội là có cốm xanh. Cốm như một thức quà thơm ngon được gói trọn trong lớp lá sen ủ đầy tâm tình của người làm ra nó. Vì sao đến Hà Nội vào mùa thu nhất định phải thưởng cốm? Vì cốm là thức quà khởi nguồn một cách “bất đắc dĩ” khi thu sang. Nhờ vào sự sáng tạo “thức thời” của những người nông dân làng Vòng mà giờ đây Hà Nội có một hương vị không thể thiếu trong những ngày thu. Cái hương thơm thoang thoảng, tinh khiết và ngát ngọt ấy chẳng phải rất nịnh mũi và thôi thúc các giác quan của người thưởng thức nó hay sao?

Xôi cốm “nằm mát giữa tờ sen”. (Ảnh: Mỹ Linh)

Trên những con phố mạn Nhà thờ lớn, biết bao nhiêu người đã ngồi đó thưởng thức ly cà phê trứng béo ngậy, ăn cốm và đọc tờ báo mới về tình hình đất nước. Cà phê trứng đã có mặt trong đời sống của người Hà Nội gần 100 năm qua, được kết hợp giữa lòng đỏ trứng gà, sữa đặc, đường, bơ và cà phê nguyên chất. Từ một thứ văn hóa ngoại lai, uống và thưởng cà phê trứng đã trở thành nét văn hóa đời thường của con người Hà Nội. Giữa một thành phố náo nhiệt còi xe, ly cà phê níu giữ chân người bằng sự chậm rãi, thảnh thơi và hương mùa thu nồng nàn.

Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 4.

Ly cà phê trứng béo bùi, ngậy thơm. (Ảnh: Đức Trung)

Thu tới cũng là mùa sấu chín. Những quả sấu vàng, sai trĩu, tỏa hương thơm dọc dài con đường Phan Đình Phùng. Sấu không phải chỉ thu sang mới có, nhưng sấu chín vào thu thì rám vàng, ngọt, vị chua đằm đặm dịu miệng, còn sấu mùa hè thì xanh và chua gắt. Người Hà Nội thích uống nước sấu ngâm cho ngày hè và thích ăn sấu chín dầm với chút đường, chút ớt đỏ cay tê tê cho ngày thu.

Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 5.

Mùa sấu chín.

Đã đến Hà Nội mùa thu thì phải ghé qua mạn Hồ Tây hay phủ Tây Hồ, đổi chút vị giác sang một món ăn mặn đặc trưng của mùa này - bánh tôm. Bánh tôm có vỏ mỏng giòn, nhân tôm mềm mọng ngọt thịt, ăn cùng rau thơm, chấm với nước mắm chua ngọt thật nịnh miệng. Ẩm thực Hà thành có nhiều món, ở nhiều nơi, nhưng bánh tôm phải ăn ở mạn Hồ Tây thì mới chuẩn. Người Hà Nội đã ăn món này mấy mươi năm, mùa nào cũng có, nhưng mùa thu mang lại cái khoái cảm riêng, khó tả.

Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 6.

Những chiếc bánh tôm tròn, giòn, ngon.

Khác thời, cách thưởng thu của từng lớp người cũng khác. Những người tuổi xế chiều thích ngồi nhâm nhi trà đá vỉa hè, nói những câu chuyện xưa. “Ngày xưa” như một cách mở đầu nỗi hoài niệm của những con người Hà Nội cũ. Bây giờ, những cô cậu thanh niên lại có cách lưu giữ ngày thu Hà Nội theo cách thời đại hơn. Họ đi chụp ảnh, đến những quán nước kiểu mới, hiện đại, tìm về những góc phố cổ gây nhớ thương, tận hưởng hương thu.

Tôi nghĩ, Hà Nội vào thu có con đường đẹp nhất là Phan Đình Phùng, con phố đẹp nhất là Hàng Mã. Chỉ mới chớm thu thôi mà Hàng Mã đã ngập tràn đèn lồng, mặt nạ, ông sao,... đủ màu sắc. Chợ Hàng Mã là nét văn hóa của người Hà Nội. Nhắc đến đồ lưu niệm, đồ trang trí, người ta sẽ nghĩ đến đây ngay. Trong băm sáu phố phường từng xuất hiện trong nhiều trang văn, đã có nhiều con phố “chuyển mình” - đổi nghề, nhưng Hàng Mã thì vẫn giữ vẹn nguyên nét nghề ấy. Người Hà Nội mùa thu đến đây sắm đồ, chơi Tết trông trăng và ôn lại kỉ niệm.

Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 8.

Lung linh phố Hàng Mã mùa Trung thu. (Ảnh: Mỹ Linh)

Mùa thu Hà Nội đẹp còn vì có những ngày lễ lớn của dân tộc: ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ngày Quốc khánh, ngày Giải phóng Thủ đô,... Đi đâu cũng thấy bóng dáng Quốc kỳ rực rỡ, tâm hồn người lại thêm bồi hồi và rộn ràng lòng yêu nước. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, diễn ra vào đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ và trở thành ngọn cờ Độc lập. Cho đến ngày hôm nay, lá cờ ấy đã ở mọi miền Tổ quốc, là biểu tượng thiêng liêng của hồn nước, lòng dân, tinh thần đoàn kết và sự toàn vẹn lãnh thổ. Nhìn những lá cờ được treo trên từng cửa nhà, góc phố, tôi mới thấy người Hà Nội trân trọng và tự hào về những tháng ngày lịch sử biết nhường nào. Họ cũng thổn thức về một thời máu lửa đã qua của dân tộc.

Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 9.
Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 10.
Mùa thu Hà Nội kể về những câu chuyện văn hóa - Ảnh 11.

Thủ đô ngàn năm trong màu cờ rực rỡ. (Ảnh: Mỹ Linh)

Tiến sĩ Văn hóa học Trần Thị Lan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng: “Câu chuyện văn hóa của mùa thu Hà Nội có thể gắn với ẩm thực và thú vui chơi của người Hà Nội khi vào thu. Ẩm thực là các thức quà như cốm, như sấu chín, như quả hồng, quả thị và bánh Trung thu. Còn thú vui, thú chơi như là đi dạo phố, uống cà phê, cắm hoa, chơi lễ.”

Người Hà Nội vẫn tự hào về bốn mùa của Thủ đô, nhưng thường khuyên du khách nên đến đây khi mùa thu tròn trĩnh. Bởi mùa thu không lạnh buốt như cách mùa đông đến, cũng chẳng nóng rực như cách hạ đã qua, nó cứ dịu dàng, êm đềm, lành lạnh và khang khác. Có lẽ vì thế mà thiên nhiên và con người được hòa quyện, tạo nên những câu chuyện văn hóa độc đáo, đẹp đẽ trong dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước