Mỹ nhân xưa làm đẹp như thế nào?

Phi Văn/ Ảnh: Weibo-Thứ hai, ngày 13/05/2024 06:22 GMT+7

VTV.vn - Những phương thức làm đẹp từ xa xưa đang có xu hướng trở lại.

Khi con người nhận ra tác dụng không mong muốn của hóa mỹ phẩm công nghiệp, sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên ngày càng được nữ giới ưa chuộng. 

Từ thời cổ đại, cách chăm sóc nhan sắc đã rất đa dạng và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của nhân loại. Mỗi vùng đất với vị trí địa lý đặc thù, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo nên hệ sinh thái đa dạng, con người đã khéo léo sử dụng các loại cây ở địa phương để làm sản phẩm chăm sóc toàn thân. 

Ai Cập xa xưa, bột ngọc trai là một nguyên liệu làm đẹp không thể thiếu. Chất bột nghiền ra từ những hạt ngọc lấy từ đại dương cho tác dụng làm mờ vết nám, kích thích sự tái tạo collagen và giúp da săn chắc, mịn màng hơn. 

Mỹ nhân xưa làm đẹp như thế nào? - Ảnh 1.

Người Hàn Quốc dùng nụ hoa đinh hương để khử mùi, tắm gội.

Người Hy Lạp cổ đại có phát minh vĩ đại là dùng giấm táo để chữa trị mụn trứng cá và các vấn đề da đầu. Ngày nay, giấm táo vẫn được ưu tiên trong làm đẹp cho tóc và da mà nhiều người yêu thích. Nước hoa hồng cũng là sản phẩm chăm sóc da được sử dụng từ rất sớm. Nước hoa hồng có tinh chất dưỡng ẩm, làm sáng da và lại có màu sắc tươi tắn, mùi thơm tự nhiên dịu nhẹ.

Người Ấn Độ từ thế kỷ 20 trước công nguyên thường dùng cây lá móng tay (cây henna) để nhuộm tóc. Đây là dược liệu quen thuộc trong văn hóa Ấn Độ. Họ lấy lá cây sấy khô, nghiền thành bột mịn, sau đó tạo thành hỗn hợp sệt để thoa lên tóc hoặc da để nhuộm thành màu cam, hoặc nâu. Dung dịch này cũng được sử dụng làm mực vẽ trang trí các hình thù theo nhiều họa tiết đẹp mắt với ý nghĩa cầu bình an, may mắn. Xu hướng vẽ henna vẫn còn lưu truyền đến ngày nay và trở thành nét đẹp văn hóa của người Ấn Độ. 

Mỹ nhân xưa làm đẹp như thế nào? - Ảnh 2.

Trang trí tay, chân bằng hột henna trong truyền thống của người Ấn

Từ xa xưa, người Hàn Quốc dùng than, bột vàng, hoặc một loại mực làm từ quả bồ hóng để làm mỹ phẩm. Họ chăm sóc da mặt với mặt nạ mật ong, bôi kem dưỡng da từ dầu mơ, đào nhằm giữ ẩm cho da khi thời tiết lạnh khô. Họ cũng đã biết dùng nụ hoa đinh hương làm nước hoa để khử mùi và tắm gội. 

Người Trung Quốc thì dùng sáp ong thuần chất, hoặc bôi thêm dầu trà, khoáng chất màu đỏ, mỡ động vật dưỡng môi và tạo màu sắc hồng hào. Khoảng từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, phụ nữ dùng lông chim, vảy cá, cánh chuồn chuồn, đá quý hoặc mực chu sa để vẽ hoa trên mặt để làm đẹp. Ngay từ thời cổ, phụ nữ ở nước này đã biết dùng nghệ làm trắng, kháng khuẩn và làm đều màu da. 

Mỹ nhân xưa làm đẹp như thế nào? - Ảnh 3.

Giấm táo được sử dụng để làm đẹp da, giữ dáng.

Từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, phụ nữ Nhật Bản đã thích màu da trắng sáng nên họ thường bôi một loại bột màu trắng gồm gạo xay, kẽm và chì. Cũng giống như ở Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, phụ nữ Nhật có thời gian nhuộm răng đen để làm đẹp. 

Ở xứ Iran, từ thế kỷ 19 trước Công nguyên, người dân đã dùng hỗn hợp tro xương, mỡ và dầu hoa nhài để làm mềm da trước khi nhổ chân mày. Thường ngày, họ cũng trộn lòng trắng trứng gà, nước hoa hồng và nước cốt chanh để ngăn ngừa mụn nhọt. Đây là cách chăm sóc da vẫn còn thông dụng cho tới ngày nay. 

Phụ nữ Việt Nam từ xa xưa đã ưa thích nguyên liệu tự nhiên như gừng, chanh, bột ngọc trai, mật ong… khi chăm sóc da mặt, cơ thể. Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền cách sử dụng vỏ bưởi, bồ kết, hương nhu giúp mái tóc dài càng trở nên mượt mà, đen bóng. Nước vo gạo dùng để rửa mặt cũng là bí quyết làm trắng da, se khít lỗ chân lông, cung cấp các vitamin và khoáng chất được nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam truyền lại. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước