Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho quân và dân khu vực biển, đảo

Giang Châu-Thứ tư, ngày 08/05/2024 09:06 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm quần đảo Trường Sa là một trong những hoạt động của Bộ Y tế nhằm triển khai Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác Y tế biển, đảo trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ động, kịp thời tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 658 năm 2023 phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.

Chương trình có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển bền vững y tế biển, đảo cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cấp cứu, vận chuyển và cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, đặc biệt khi có thiên tai, thảm hoạ và những tình huống đặc biệt xảy ra trên biển đảo. Không chỉ cán bộ, chiến sỹ được hưởng lợi từ Chương trình, mà ngư dân, người lao động và toàn dân sống trên các đảo cũng sẽ được hướng dẫn, nâng cao nhận thức về các biện pháp dự phòng, tự chăm sóc sức khoẻ cũng như được khám, chữa bệnh đảm bảo có sức khoẻ tốt.

Từ ngày 29/4 – 5/5 vừa qua, các y, bác sĩ và cán bộ của Bộ Y tế đã có chuyến đi thăm 7 đảo và 1 nhà giàn DK1 trên quần đảo Trường Sa. Đây là dấu ấn đặc biệt thể hiện tình cảm gắn bó giữa đất liền và hải đảo, giữa những người cán bộ y tế chung sứ mệnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho quân và dân khu vực biển, đảo - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân đến thăm các đảo.

Xúc động trước hành trình ý nghĩa, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: "Cá nhân tôi và mỗi cán bộ trong Đoàn công tác lần đầu tiên đến thăm và làm việc tại Quần đảo Trường Sa đều mang trong mình những cảm xúc vinh dự, tự hào, đặc biệt nhân dịp quân và dân trên đảo nói riêng và cả nước nói chung đang kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Trường Sa và kỷ niệm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy công tác chăm sóc sức khoẻ của các chiến sĩ, người dân trên đảo và ngư dân đã được quan tâm, đầu tư mặc dù còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Y tế sẽ cùng toàn ngành y tế nỗ lực hơn nữa, thúc đẩy triển khai Chương trình phát triển y tế biển, đảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ và người dân, ngư dân trên các huyện đảo nói chung và Trường Sa nói riêng."

Bác sĩ Lê Dương Vũ Hoàng, Bệnh xá Trưởng trên cụm đảo Đá Tây cho biết, ở đây có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 3 điều dưỡng và 1 dược sĩ. Bệnh xá mới được xây dựng và đưa vào sử dụng gần một năm nay nên trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn cần thêm Monitor, X-Quang hiện đại, máy siêu âm, các bộ dụng cụ xét nghiệm,…

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho quân và dân khu vực biển, đảo - Ảnh 2.

Tủ thuốc trên đảo Song Tử Tây.

Chuyến đi thực tế gồm 50 y, bác sĩ ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh  Đại học Y Hà Nội,… cùng 29 cán bộ thuộc các đơn vị Vụ, Cục của Bộ Y tế trong hệ thống Y tế Dự phòng.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho quân và dân khu vực biển, đảo - Ảnh 3.

Đoàn Bộ Y tế thăm và khảo sát thực tế bệnh xá đảo Song Tử Tây.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho quân và dân khu vực biển, đảo - Ảnh 4.

Nhiều kiến thức chuyên môn được chia sẻ giữa các đại biểu Bộ Y tế và lực lượng quân y trên đảo.

Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việc đảm bảo môi trường biển trong xanh, bảo tồn đa dạng sinh học biển chính là một cách để hạn chế những vấn đề sức khỏe cho ngư dân và người dân ven biển.

PGS. TS Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học Biển cho biết: "Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, những người dân sống và làm việc ở biển, đảo là những khu vực rất dễ bị tổn thương. Ô nhiễm môi trường biển mang đến hệ lụy là các bệnh lý mới nổi về nhiễm trùng, nhiễm độc, các vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa hay bệnh lý ngoài da; thậm chí là những bất thường về thiên tai, bão, lũ,.. gây ra nhiều tai nạn thảm khốc, tàn phá nghiêm trọng các tàu, thuyền, cơ sở vật chất cũng như người dân ven biển. Chính vì vậy, những khu vực này cần được quan tâm nhiều hơn nữa cả về phương tiện và trang thiết bị y tế, cũng như trau dồi kiến thức cho người dân để giảm thiểu rủi ro."

Những "Ngôi nhà xanh" phân loại rác từ nguồn góp phần bảo vệ môi trường biển.

Trong Chương trình mới, Bộ Y tế sẽ nâng cấp một số cơ sở đặc thù của Viện Y học Biển như Trung tâm Cấp cứu và Hồi sức chống độc biển, Trung tâm y học dưới nước và oxy cao áp. Viện sẽ tăng cường tham gia khám, chữa bệnh đối với các bệnh đặc thù liên đến biển đảo.

Thời gian qua, Bộ Y tế, các viện, bệnh viện, cơ sở y tế đã luôn đồng hành, hợp tác cùng các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, ngư dân biển, đảo như đào tạo, tập huấn chuyên môn; tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; hỗ trợ một số thiết bị y tế cho các cơ sở y tế vùng biển, đảo.

Tuy nhiên công tác đảm bảo y tế vùng biển, đảo vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 28 địa phương ven biển để triển khai Chương trình y tế biển, đảo. Trong đó tập trung: Tổ chức rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ khu vực biển, đảo; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế và thu hút nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo; hoàn thiện mạng lưới y tế biển đảo; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị y tế đặc thù cho các cơ sở y tế biển, đảo. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sỹ, người dân khu vực biển đảo luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành Y tế.

Cùng tham gia với đoàn đi Trường Sa, Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) chia sẻ: Đối với các tỉnh ven biển, đặc biệt khu vực có cảng quốc tế thì CDC có vai trò kiểm dịch y tế đối với những người xuất cảnh, nhập cảnh. "Chúng tôi làm thủ tục kiểm dịch, nếu trong tình huống phát hiện ra người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì phải có biện pháp phòng chống để ngăn chặn việc dịch xâm nhập qua biên giới, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh dịch hạch, Ebola, cúm A – H5N1,…). Một nhiệm vụ nữa là kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ở khu vực cảng biển, hay khi xuất hiện các dịch bệnh thì phải đẩy mạnh việc khử khuẩn trong các tàu, thuyền." – Bác sĩ Thanh chia sẻ.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho quân và dân khu vực biển, đảo - Ảnh 7.

Y tế biển, đảo sẽ được chú trọng và quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước