Nét đẹp lễ hội truyền thống di tích lịch sử văn hóa quốc gia Miếu Lai Cầu, Hải Dương

Nguyễn Cung-Thứ năm, ngày 21/12/2023 15:28 GMT+7

VTV.vn - Quần thể di tích liên quan đến nữ tướng chống giặc Tống ở Lai Hà, Hoàng Diệu, Gia Lộc, Hải Dương – Miếu Lai Cầu - đến nay vẫn được người dân gìn giữ nghiêm cẩn.

Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của địa phương và của cả nước, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2002.

Hằng năm, vào các ngày 9-11/11 âm lịch, hội làng truyền thống tại khu di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh quốc gia Miếu Lai Cầu, thuộc thôn Lai Hà, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương lại long trọng diễn ra, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.

Nét đẹp lễ hội truyền thống di tích lịch sử văn hóa quốc gia Miếu Lai Cầu, Hải Dương - Ảnh 1.

Theo tài liệu của Viện Thông tin Khoa học Xã hội, hệ thống câu đối, đại tự, sắc phong, hương ước làng Lai Cầu được lập từ năm 1936. Truyền ngôn trong nhân dân cho hay, miếu Lai Cầu là nơi tôn thờ bà Nguyễn Thị Dực, húy Vàng Chinh, người có công đánh giặc Tống vào cuối thế kỷ X.

Năm 17 tuổi, chứng kiến cảnh giặc Tống kéo quân xâm lược, giày xéo bờ cõi, nghe lời kêu gọi của nhà vua, với tính nết quyết đoán hơn người, thiếu nữ Nguyễn Thị Dực đã cải trang thành nam nhi, tập hợp nghĩa quân, xin vua cho đi đánh giặc. Được nhà vua đồng ý, bà đã nhiều lần cầm quân, đánh tan quân Tống xâm lược. Đất nước sạch bóng giặc, bà và các tướng được vua vời về triều để khao thưởng. Trong buổi lễ, khi biết bà là nữ nhi, chẳng những nhà vua không trách phạt mà còn vô cùng cảm kích bởi lòng trung quân ái quốc của bà, liền ban thưởng và cho bà về quê thăm cha mẹ. Về quê một thời gian ngắn, bà Nguyễn Thị Dực qua đời khiến nhà vua vô cùng tiếc thương, ban cho vàng bạc để tổ chức tang lễ và cho dân làng lập miếu thờ, sắc phong là Thành hoàng làng Lai Cầu để nhân dân muôn đời thờ phụng.

Trải qua các triều đại phong kiến, bà được vua ban nhiều sắc phong, hiện nay tại miếu còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong, gồm: Tự Đức năm thứ 6; Tự Đức năm thứ 33; Đồng Khánh năm thứ 2; Duy Tân năm thứ 3; Khải Định năm thứ 9.

Quần thể di tích miếu Lai Cầu đến nay vẫn được người dân gìn giữ nghiêm cẩn. Tại xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc, Hải Dương) ngày nay còn có khu Lăng, mộ Thành hoàng Nguyễn Thị Dực và Cố trạch - tương truyền là nơi ở của phụ thân, phụ mẫu của bà trước đây.

Di tích Miếu Lai Cầu là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị của địa phương và của cả nước, tọa lạc trên một mảnh đất đẹp, mặt tiền quay ra hồ nước rộng. Miếu Lai Cầu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2002. Chính quyền và địa phương đã lên phương án bảo tồn và hướng phát triển trong tương lai, bên cạnh đó rất cần sự chung tay cũng như giúp sức của toàn xã hội để cụm khu di tích được trùng tu, mở rộng khang trang đón du khách thập phương về dự lễ hội và vãn cảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước