Ngày vía Thần Tài và những điều cần lưu ý

TH-Chủ nhật, ngày 02/02/2020 14:42 GMT+7

VTV.vn - Khoảng tầm gần 10 năm trở lại đây, ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng) trở nên phổ biến tại nước ta.

Trong ngày vía Thần Tài, tất cả mọi nhà, công ty, cửa hàng có thờ Thần Tài, đều sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc.

Đã thành thông lệ, ngày mùng 10 tháng Giêng được coi là "ngày may mắn trong năm" khi mọi người tranh thủ "xếp hàng" mua vàng và các vật phẩm phong thủy như những xâu tiền càn khôn, đĩnh vàng, đĩnh bạc hay các linh thú tỳ hưu và tam cước thiềm thừ. Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Song Hà có lời khuyên tới người tiêu dùng là: khi mua các linh thú thì nên mua bằng chất liệu đồng hoặc đá, tránh mua linh thú làm từ nhựa hay bột đá nhân tạo vì có tác dụng thấp. Bên cạnh đó, cũng cần phải cân đối khi bài trí các linh thú ở bàn thờ Thần Tài, kích cỡ của linh thú chỉ được phép nhỏ hơn tượng Thần Tài.

Bàn về việc mua vàng ngày vía Thần Tài:

Ngày vía Thần Tài và những điều cần lưu ý - Ảnh 1.

Nhiều người chọn mua vàng trong ngày vía Thần Tài. (Ảnh: TTXVN)

Theo các tài liệu văn hóa tâm linh của người Trung Quốc, trong ngày vía Thần Tài, họ thường mang theo vàng, bạc cất vào kho cất giữ tiền của. Và họ cũng không mua vàng bạc đúng ngày vía Thần Tài mà đã chuẩn bị từ trước, đúng ngày vía Thần Tài mới sắp xếp, bố trí vàng và bạc phải được mang qua cửa chính để vào ban thờ Thần Tài và két sắt là được. Ngày nay, người Trung Quốc giản tiện và tiết kiệm, họ mua 2 bộ lai vàng lai bạc có in dập 3 chữ Hán tự: Phúc - Lộc - Thọ , 1 bộ cho vào két sắt, 1 bộ cúng tiến tại ban thờ Thần Tài. Trong tâm linh phân định bạc là dương và vàng là âm nên dân gian có câu: ra đường nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi.

Đồ lễ cúng Thần Tài:

Ngày vía của Thần Tài đồ lễ gồm : 1 lọ hoa, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.

Ngoài ngày vía chính của Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng, mọi người vẫn chọn ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng để cúng Thần Tài, cầu xin cho may mắn về tài lộc trong tháng đó.

Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo quay, vịt quay, gà sống luộc ngậm hoa hồng để nguyên nội tạng, hoa quả, nước sạch… Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món Cua biển và heo quay, bánh bao nhân thịt trứng và chuối chín vàng.

Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h – 7h và chiều tối từ 18h – 19h, mỗi lần đốt 5 cây nhang. Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa và chưng thờ nải chuối chín vàng có hương thơm.

Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.

Hàng tháng thường lau bàn thờ Thần Tài - Thổ Địa chỉ vào ngày cuối tháng, không làm theo man như lau dọn giữa tháng là sai. Nước lau rửa là nước ngũ vị hương đun lên từ 5 loại lá hương liệu gồm hồi khô, quế khô, hương nhu, lá xả, lá mùi (hoặc lá bưởi tùy mùa) - không nên lau rửa bàn thờ bằng rượu gừng nếu bàn thờ bằng gỗ vì sẽ làm hỏng ban thờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước