Oản đường là một trong bốn đồ lễ không thể thiếu để dâng lễ Phật, tổ tiên trong những ngày lễ, tết. Trong những ngày cuối năm này, oản nghệ thuật với đa dạng mẫu mã được nhiều người lựa chọn để bày biện mâm cúng.
Oản được làm chủ yếu từ đường, gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp được rang lên, xay mịn, trộn với đường kính tinh luyện, sau đó đóng thành khuôn tùy theo hình dáng khách đặt.
Đặc thù của mặt hàng này, khi sản xuất phải cẩn thận. Nếu như nén hương thắp lên tượng trưng cho nghi lễ, hoa mang đến vẻ đẹp mà trời đất ban tặng, quả là đại diện của sản vật quê hương, thì oản đường thanh khiết, trắng trong, làm từ gạo nếp cái hoa vàng, đường trắng tinh luyện tinh hoa của đất trời và hương hoa bưởi mà phải chọn đúng bưởi Diễn mới là đạt chuẩn.
So với oản truyền thống, oản nghệ thuật đa dạng về hình dạng cũng như màu sắc. Khác với oản truyền thống, oản nghệ thuật phong phú về hình dạng, màu sắc được tạo ra từ các loại quả thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng phẩm màu. Ngay cả việc tạo hình khối cũng cần tinh tế. Vật liệu trang trí cho oản nghệ thuật được lấy cảm hứng từ những ngôi đền, tháp cổ kính, ở ngoài đính kim tuyến, lá cây, hạt ngọc… Có nhiều loại oản: oản thỏi vàng, oản cánh sen, oản trái đào, oản túi vàng. Trong điều kiện nhiệt độ khô thoáng, bánh oản nghệ thuật có thể bảo quản được tới 12 tháng.
Ngọc Anh, một nhà thiết kế trẻ say mê với nghề làm oản nghệ thuật, đang từng ngày lưu giữ hương vị truyền thống, góp phần phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của cộng đồng. Anh tâm sự: "Oản không chỉ đơn thuần là… oản, song hành với chiều dài lịch sử của đất nước trong tương lai oản sẽ có mặt ở khắp các quốc gia trên thế giới. Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi lúc này là "giữ hồn" cho sắc Việt. Tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều người trẻ đang hành động để cùng nỗ lực lan tỏa và bảo tồn giá trị những di sản Việt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!