Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô

Giang Châu-Thứ hai, ngày 06/01/2025 21:42 GMT+7

VTV.vn - Trong chương trình "Quà tặng của nhân gian", các nghệ nhân đã trực tiếp thực hiện công đoạn kéo sợi hay dệt vải để du khách chiêm ngưỡng, trải nghiệm.

Dưới ánh nắng của chiều mùa đông chiếu xuống những mái ngói rêu phong ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, các sản phẩm thủ công truyền thống của nhiều địa phương trên cả nước trở nên lấp lánh, rực rỡ hơn hẳn. Những sản phẩm được quy tụ về đây, cùng sự góp mặt của chính các nghệ nhân tạo ra nó, đã mang tới một luồng không khí mới mẻ cho khu di tích cổ xưa của Hà Nội. Và đây, cũng là cách để các địa phương giới thiệu sản phẩm, đồng thời lan tỏa nét đẹp văn hóa, gợi cảm hứng du lịch cho các vị khách gần xa.

Chị Đặng Thu Hà, cán bộ của Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Rây, tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Lần này tôi được cử đi để đưa nghệ nhân của làng Bar Gốc - một làng sống trong vùng đệm của VQG Chư Mom Rây cùng những tấm thổ cẩm do nghệ nhân dệt ra Hà Nội. Mục tiêu của chúng tôi là quảng bá công việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của người Gia Rai. Thông qua chương trình lần này, chúng tôi cũng quảng bá tới du khách trong và ngoài nước về công tác du lịch của VQG Chư Mom Rây.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 1.

Chị Thu Hà cùng nghệ nhân Y Mứi tự hào đem những tác phẩm của địa phương ra Hà Nội.

Theo đó, khi bà con được tiếp xúc với du khách, phát triển được nghề dệt thổ cẩm để tạo ra kinh tế, họ sẽ ít đi vào rừng hơn và bớt tác động vào hệ sinh thái của rừng. Người dân có sinh kế ổn định thì ý thức bảo vệ môi trường của họ cũng tốt lên. Bên cạnh những tấm dệt thổ cẩm, gian hàng của tỉnh Kon Tum còn có cà phê Măng Đen và mứt sâm Ngọc Linh cho các du khách trải nghiệm.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 2.

Thưởng thức đặc sản Măng Đen giữa lòng Hà Nội.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 3.

Cũng ra Thủ đô dịp này, hai nghệ nhân của Hợp tác xã (HTX) Thổ cẩm xanh – Azakooh (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) rất phấn khởi khi được quảng bá những "đứa con tinh thần" của dân tộc Tà Ôi. 

"Mấy hôm nay chúng tôi bán được khoảng 20 sản phẩm, cả khăn, cả túi. Đến đây thấy Hà Nội có thời tiết đẹp, con người hiền hậu, nhiều du khách quan tâm hỏi chúng tôi về sản phẩm, phải trả lời mỏi miệng luôn, nhưng mà vui lắm" – bà Ra Pat Thị Nhàn cười.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 4.

Nghệ nhân Hồ Thị Hợp (bên phải) và nghệ nhân Ra Pat Thị Nhàn (ở giữa) đến từ A Lưới, Thừa Thiên Huế.

HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh, huyện A Lưới là điểm sáng về kinh tế tập thể ở huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ khi HTX được thành lập, việc sản xuất thổ cẩm cũng đi vào quy trình, kế hoạch bài bản, số lượng sản phẩm tăng lên, giá trị sản phẩm cũng được nâng lên. Bình quân mỗi tấm vải Zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 - 500.000 đồng, có loại làm cầu kỳ, đính cườm và khổ rộng có giá lên tới gần 2 triệu đồng. Những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã đã giúp hàng ngàn phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng đại ngàn Trường Sơn thuộc huyện A Lưới có thu nhập ổn định và giữ được văn hóa truyền thống. Những dịp có sự kiện quảng bá như thế này không chỉ giúp bà con bán được hàng, mà còn cho du khách cơ hội được chứng kiến quy trình tạo ra một sản phẩm dệt thổ cẩm.

Bạn Vũ Thị Quỳnh Như (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) thích thú chia sẻ: "Những hình ảnh này mình thấy trên ti vi nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên mình được trực tiếp xem các cô dệt những mảnh vải như thế này, cảm thấy rất thú vị."

Chị Larissa, du khách đến từ Đức trao đổi với phóng viên VTV Times: "Tôi rất thích những sản phẩm này vì chúng được làm thủ công, nhìn vừa đơn giản mà lại tinh tế. Tôi đã ủng hộ người bán hàng 3 chiếc nón."

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 5.

Du khách Larissa vui vẻ trò chuyện với nghệ nhân làm nón.

Trong không khí của những ngày cuối năm, nhiều bạn trẻ đã xúng xính mặc áo dài để chụp bộ ảnh Tết 2025 ở di tích Văn Miếu. Những gian hàng của 12 nghệ nhân tiêu biểu đến từ 7 làng nghề trong cả nước không chỉ tạo nên một không gian rất đỗi thơ và truyền thống, phù hợp cho các du khách chụp ảnh, mà còn mang lại góc nhìn mới về sản phẩm thủ công, chúng không hề cũ kỹ hay lạc hậu, mà ngược lại, rất có tính thời đại và mang hồn quê hương.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 6.

Nhiều bạn trẻ tranh thủ chụp ảnh với không gian thủ công truyền thống.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 7.

Khăn lụa của Dai Hoa Silk đến từ tỉnh Thái Bình.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm quảng bá văn hoá truyền thống giữa lòng Thủ đô - Ảnh 8.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước