Người dân làng hoa Tây Tựu "đánh cược" vụ Tết vì giá lạnh

Nguyễn Xuyến-Thứ năm, ngày 28/12/2023 10:00 GMT+7

VTV.vn - Thời tiết rét đậm kéo dài khiến người dân làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thấp thỏm lo hoa không nở kịp phục vụ Tết Nguyên Đán.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, làng hoa Tây Tựu có truyền thống lâu đời với nghề trồng hoa. Với tổng diện tích lên đến hơn 200ha, nơi đây hiện trồng và cung cấp nhiều loại hoa khác nhau cho khu vực nội thành như hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược…

Người dân làng hoa Tây Tựu đánh cược vụ Tết vì giá lạnh - Ảnh 1.

Người nông dân phải bọc giấy báo quanh bông để giúp hoa nở đều, tránh tác nhân bên ngoài.

Ngoài ra, để mở rộng diện tích trồng hoa đủ đáp ứng nhu cầu các dịp cao điểm, người dân còn thuê thêm đất ở các vùng lân cận như Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Cát Quế, Dương Liễu, thậm chí Sơn Tây.

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch, người dân Tây Tựu tất bật với công việc gieo giống, tỉa nụ, tưới nước với kỳ vọng về một vụ hoa Tết được giá, đem lại giá trị kinh tế cao. Năm nay, thời tiết rét đậm khiến họ lại quanh quẩn với nỗi lo "mất mùa, được giá".

Người dân làng hoa Tây Tựu đánh cược vụ Tết vì giá lạnh - Ảnh 2.

Thời tiết rét đậm những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của cây hoa.

Có kinh nghiệm trồng hoa gần 20 năm, anh Nguyễn Huy Hoàng (Bắc Từ Liên, Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc chăm sóc, theo dõi sát sao để nắm rõ tình trạng hoa, yếu tố quyết định năng suất chính là thời tiết. Nếu trời nắng ấm thì hoa sẽ nở nhanh, nếu lạnh quá thì hoa sẽ chậm, dẫn đến sai vụ. Trời mưa nhiều thì hoa xấu.

Người dân làng hoa Tây Tựu đánh cược vụ Tết vì giá lạnh - Ảnh 3.

Thời tiết giá lạnh kéo dài khiến người dân Tây Tựu lại quanh quẩn với nỗi lo “mất mùa, được giá”.

"Mùa đông năm nay đến muộn, nhiệt độ lại xuống thấp nên ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của hoa. Khả năng số lượng hoa nở kịp vụ Tết không cao nên dù tăng giá nhưng vẫn không đủ phục vụ khách", anh Hoàng nói.

Người dân làng hoa Tây Tựu đánh cược vụ Tết vì giá lạnh - Ảnh 4.

Người trồng hoa cần chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc phù hợp.

Cũng theo anh Hoàng, đối với hoa cúc khoảng 3 - 4 tháng, người nông dân trồng cúc mới thu hoạch được một đợt. Tuỳ vào thời tiết thay đổi ra sao, việc chăm sóc phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Còn với hoa hồng, khi hoa sắp nở, người trồng sẽ bọc bông hoa trong các lớp giấy báo. Việc bọc bông rất cần thiết, không chỉ giúp hoa nở đều, đẹp mà còn là bí quyết kéo dài thời gian hoa nở.

Người dân làng hoa Tây Tựu đánh cược vụ Tết vì giá lạnh - Ảnh 5.

Người dân thực hiện công đoạn bẻ nụ, tỉa lá để hoa phát triển.

Tại vườn hoa cúc của bà Nguyễn Thị Hằng, cứ mỗi buổi sáng bà lại tranh thủ ra vườn kiểm tra một lượt. Những bông cúc nhỏ, không đạt chuẩn thì sẽ được ngắt để tập trung nuôi nụ chính to, nở đẹp.

"Nếu thời tiết cứ rét đậm như hiện nay thì hoa sẽ không nở kịp đúng dịp Tết. Dù được giá nhưng chúng tôi cũng không mấy vui vẻ vì lượng hoa bán được chẳng đáng là bao. So với thời điểm này vào năm ngoái, năm nay giá hoa cao hơn. Mỗi hoa cúc bán lẻ ra với giá 4.000-5.000 đồng/ hoa tùy vào chất lượng. Gần Tết giá cũng có thể tăng lên nếu khan hiếm", bà Hằng nói.

Người dân làng hoa Tây Tựu đánh cược vụ Tết vì giá lạnh - Ảnh 6.

Người dân tỉ mỉ chăm sóc hoa.

Theo dự báo, từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ có thêm các đợt không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm rét hại trên diện rộng. Vì vậy, người trồng hoa cần chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước