Chụp ảnh hay chơi với chim bồ câu là hình ảnh thường thấy của du khách khi đến với Thủ đô Paris của Pháp. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, người dân thành phố và chính quyền Paris lại coi bồ câu như một vấn nạn bởi việc làm tổ và chất thải của chúng ảnh hưởng tới thành phố. Thay đổi suy nghĩ của cộng đồng, tìm cách để con người và loài chim này cùng chung sống là nỗ lực của nhiều người có mong muốn được tôn trọng thiên nhiên và một đời sống đề cao cân bằng sinh thái.
"Chúng tôi đấu tranh để chim bồ câu được sống cùng chúng ta trong thành phố và muốn mọi người nghĩ về quy luật tự nhiên. Nếu ngày mai không có chim bồ câu thì loài khác sẽ xuất hiện và đã xuất hiện như quạ, bồ nông. Thay vì chim ăn hạt thì chúng ta lại phải chịu đựng loài ăn thịt trong thành phố" - ông Didier Lapostre, Chủ tịch Hội bảo vệ các loài chim trong đô thị cho biết.
Từ nhiều năm nay, Chính phủ Pháp đã áp dụng các biện pháp như cho ăn thuốc triệt sản, đánh bắt và giăng lưới bảo vệ các tòa nhà quan trọng để chống lại sự sinh sản của chim bồ câu. Thế nhưng, Hiệp hội Bảo vệ các loài chim của ông Didier Lapostre đã nghiên cứu để chứng minh ngược lại rằng, con người có thể chung sống với các loài chim trong thành phố như một quy luật của sự cân bằng sinh thái, thuận theo tự nhiên.
Ông Didier Lapostre cho rằng: "Con người luôn muốn chế ngự thiên nhiên mà không nghĩ rằng chúng ta có thể học để hòa hợp. Chúng ta luôn nghĩ xây dựng xã hội con người bằng việc chế ngự trong khi lẽ ra phải học cách cùng chung sống".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!