Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Phùng Anh-Thứ ba, ngày 05/12/2023 14:12 GMT+7

VTV.vn - Sáng ngày 3/12, Hội đồng Anh và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã tổ chức sự kiện giới thiệu âm nhạc Chăm tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Chương trình giới thiệu di sản âm nhạc Chăm tại Hà Nội là dịp để người dân có điều kiện tiếp xúc và hiểu thêm các giá trị di sản văn hóa địa phương của đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu hành động Di sản Văn hóa hướng tới sự Phát triển đồng đều tại Việt Nam của Hội đồng Anh, cùng với dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam. Sự kiện cũng được coi như cầu nối giúp cho các di sản văn hoá âm nhạc Chăm được phổ biến rộng rãi, từ đó kiến tạo các cơ hội mới, mà qua đó di sản có thể được sử dụng để hỗ trợ cải thiện sinh kế và đời sống cho người dân.

Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 1.

Các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm tại Ninh Thuận.

Các hoạt động của chương trình được thiết kế dựa trên các loại hình âm nhạc và nghi lễ của người Chăm. Những di sản văn hóa này là phần tất yếu tạo nên bản sắc văn hóa của các cộng đồng và vì thế, trở thành những nguồn lực đặc biệt giúp địa phương vượt qua các thách thức trong quá trình phát triển.

Tại sự kiện, Nghệ nhân Đàng Văn Nghiêm và các nghệ nhân của làng gốm Bàu Trúc đã có buổi giao lưu, chia sẻ và giới thiệu về các loại nhạc cụ truyền thống của người Chăm tại Ninh Thuận. Cùng với đó, các khán giả đã có cơ hội trải nghiệm thực tế các loại nhạc cụ và hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc Chăm.

Các tiết mục biểu diễn đặc sắc bằng những nhạc cụ dân gian như: A Săng - Tù và, đàn Kanhi, kèn Saranai, trống Paranưng, Ghinăng, Hagar - trống nhỏ, Tăngek - nhạc gõ bằng 2 cây gỗ của các nghệ nhân đã đem lại những cảm nhận vô cùng thích thú và nhiều cảm xúc cho người xem.

Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 2.

Nghệ nhân Đàng Văn Nghiêm giới thiệu về cây đàn Kanhi, cây đàn được sử dụng trong các nghi lễ, đám tang của người dân tộc Chăm, tiếng đàn du dương như để chỉ đường dẫn lối cho linh hồn người đã mất về với tổ tiên.

Nghệ nhân Đàng Văn Nghiêm cho biết người Chăm có nền văn hoá rất lâu đời và đặc sắc, cùng với đó là sự phong phú, đa dạng. Âm nhạc là thành tố chính trong lễ hội, lễ nghi hàng nằm của người Chăm. Nhất là trong dịp lễ Katê, tất cả các làng chăm ở tỉnh Ninh Thuận đều tổ chức nghi lễ múa Săng để đón rước các vị thần và âm nhạc là điều không thể thiếu trong các lễ nghi nói riêng và đời sống của dân tộc Chăm nói chung. 

Nghệ nhận Ka Phiêu giới thiệu về trống Paranưng, tiếng trống đã ngắn liền với các nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Chăm. Đa số chúng ta đã biết đến trống Paranưng qua bài hát nổi tiếng "Tiếng trống Paranưng" của nhạc sĩ Trần Tiến.

Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 4.

Trống Paranưng là loại trống tròn được bịt 1 mặt, làm bằng da của con nai hay con mang. Để giữ được âm thanh chuẩn nhất cho trống Paranưng thì thân gỗ phải được làm bằng gỗ Lim. Từ mặt trống nối tới thân trống cùng với vòng bao quanh thân trống được làm bằng những sợi dây mây và những vòng dây mây. Đan xen xung quanh thân trống người Chăm sử dụng 12 con nem để tăng giảm âm thanh cho trống, 12 con nem này cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho 12 con giáp.

Kèn Saranai là nhạc cụ thổi bằng hơi, cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: Phần chuôi (gali) làm bằng đồng, bên trong có gắn lưỡi gà bằng lá buông, dùng để thổi; phần thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng 7 lỗ chính phía trên và một lỗ phụ ở phía dưới để điều khiển các nốt nhạc; và bộ thứ ba loa kèn làm bằng gỗ quí, sừng trâu hoặc ngà voi, rỗng ruột.

Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 6.

Các khán giả có mặt tại sự kiện vô cùng thích thú trước màn biểu diễn của các nghệ nhân.

Bạn Phi (Áo đen) đến từ Thái Bình hiện đang sinh sống tại Hà Nội đã có cơ hội trải nghiệm kèn Saranai, bạn Phi chia sẻ: " Tôi là một người cực kỳ yêu thích nền văn hoá của các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam, trong đó có văn hoá của dân tộc Chăm. Khi trực tiếp được nghe các nghệ nhân biểu diễn tôi cảm thấy rất xúc động, bản thân như được sống cùng với những bản sắc  âm nhạc hết sức độc đáo của đồng bào người Chăm".

Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 8.

Bạn Vũ Lê Vân Anh ở Hà Nội (ngoài cùng bên phải) cảm thấy lâng lâng khi xem các nghệ nhân biểu diễn. "Cảm thấy được giao thoa, gắn kết với các nghệ nhân, cùng với đó hiểu biết thêm những kiến thức về lịch sử cũng như văn hoá của dân tộc Chăm là một điều hết sức may mắn khi tham gia sự kiện ngày hôm nay" - bạn Vân Anh chia sẻ.

Một số hình ảnh thú vị của chương trình giới thiệu di sản âm nhạc Chăm tại Hà Nội:

Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 9.
Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 10.
Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 11.
Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 12.
Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 13.
Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 14.
Người dân thích thú trải nghiệm nhạc cụ dân tộc Chăm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh 15.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước