Người giữ “ký ức” tuổi thơ trên đất Huế

Phương Anh-Chủ nhật, ngày 16/06/2024 15:42 GMT+7

VTV.vn -Liệu sau đời mệ Hường, còn ai giữ lại những món đồ chơi dân gian như cái trống lùng tùng, con vè vè - những thứ vốn là ký ức, là cái “hồn” tuổi thơ của trẻ con Huế ngày ấy?

Lùng tung, vè vè - những món đồ chơi thủ công còn lại ở Huế

Theo dòng chảy hiện đại từng ngày của cuộc sống, những món đồ dân gian dần vắng bóng. Đối với trẻ con được sinh ra ở những năm sau 2000 như tôi, tên gọi “lùng tung, vè vè” lại càng xa lạ. Tôi biết đến hai món đồ chơi với cái tên độc đáo này qua lời kể của ngoại, nhưng chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy. Cho đến gần đây, tôi bắt gặp lại những cái tên ấy qua trang mạng xã hội với câu chuyện kể về mệ Hường - người làm trống lùng tung, con vè vè bán ở đầu cầu Trường Tiền, TP. Huế.

Bẵng đi một thời gian, khi trở về Huế ở những ngày nắng đổ lửa, tôi vô tình nhìn thấy hình ảnh mệ trong chiếc nón lá đã cũ, cùng những món đồ rực rỡ sắc màu, trước mệ có tấm gỗ khắc chữ “Mệ tự làm bằng thủ công. Nghề truyền thống. Mua giúp mệ. Mệ cảm ơn!”. Tôi bắt đầu mường tượng ra đây có lẽ là mệ Hường làm trống lùng tung, con vè vè mà tôi từng nghe qua.

Người giữ “ký ức” tuổi thơ trên đất Huế - Ảnh 1.

Tấm gỗ khắc chữ mệ được một vị khách đặc biệt tặng.

Khi lại gần, tôi nghe giọng Huế thân thương, ấm áp qua lời chào hàng của mệ. Tên của mệ là Trương Thị Hường. Đã ngoài 80 tuổi, tay mệ đã khá run rẩy nhưng vẫn xoay trống lùng tung, con vè vè đều đặn. Những âm thanh là lạ, vui tai thu hút người đi đường, dừng đèn đỏ quay nhìn, lắng nghe.

Với những người gắn bó lâu với Huế lâu năm, đặc biệt là thế hệ 7X - 8X, chắc hẳn hình ảnh mệ Hường ngồi ở đầu cầu Trường Tiền, đoạn qua chợ Đông Ba để bán trống lùng tung, con vè vè là hình ảnh giản dị, quen thuộc và khó quên. 

Trống lùng tung, con vè vè là hai sản phẩm duy nhất, nguyên bản mệ làm từ khi bắt đầu nghề thủ công này. Là những món đồ chơi dân gian cho trẻ nhỏ, lùng tung và vè vè được mệ Hường làm tay tỉ mỉ từ những chất liệu gần gũi. Đồ thủ công mệ làm chỉ từ tre, giấy màu, được liên kết với nhau bằng dây cước, hồ dán.

Trống lùng tung của mệ có hình dạng như cây vợt bóng bàn nhưng nhỏ hơn, đường kính khoảng 3cm. Từ cái cán tre dài khoảng 1 gang tay em bé, mệ nối với thành trống được làm từ tre vót mỏng uốn cong thành hình trụ tròn. Trên đó, mặt trống được mệ phủ căng bởi lớp giấy đa màu sắc. Đặc biệt, hai bên thành trống là hai sợi dây có đầu dính một cục bột nếp vo nhỏ, đối xứng nhau. Khi cầm lắc lắc, nó va vào mặt trống tạo ra âm thanh lùng tùng vui tai. Có lẽ từ thanh âm đó, cái tên lùng tung ra đời.

Người giữ “ký ức” tuổi thơ trên đất Huế - Ảnh 2.

Trống lùng tung rực rỡ sắc màu.

Với con vè vè, cái tên đó cũng xuất phát từ âm thanh của loại đồ chơi này. Vè vè khi quay phát ra như tiếng ve kêu gọi hè về. Từ đầu cán tay cầm bằng đũa tre có trết nhựa thông, mệ buộc dây cước nối với một ống tre hình trụ, một đầu bịt kín bằng giấy cứng, một đầu kia để rỗng. Nguyên lý hoạt động của nó rất đơn giản, chỉ cần cầm lên quay tròn đều tay, âm thanh phát ra từ đầu cán truyền dẫn theo dây cước và phát ra ở đầu ống tre.

Người giữ “ký ức” tuổi thơ trên đất Huế - Ảnh 3.

Con vè vè - món đồ chơi dân gian có âm thanh phát ra như tiếng ve.

50 năm gắn bó và trăn trở với việc truyền nghề …

Theo mệ Hường, nghề lùng tung và vè vè đến nay đã có hơn 100 năm, từ thời vua Bảo Đại. Mệ làm nghề này từ sau năm giải phóng và giữ đến giờ. Mệ kể hồi ấy, mệ bán đắt hàng lắm, đặc biệt là những ngày cận trung thu. Cả nhà mệ làm bán không xuể. Đa số trẻ con Huế thời bao cấp đều biết đến món đồ chơi này. Nhà nào có con nhỏ đều nghe âm thanh của trống lùng tung, con vè vè. Vậy mà theo thời gian, trò chơi dân gian chỉ ở Huế mới có này dần bị lãng quên bởi những món đồ chơi hiện đại. Với mệ, còn sự khéo léo, tỉ mỉ để tận tay làm những món đồ thủ công, còn sức khoẻ để ra phố bán lùng tung, vè vè đã là hạnh phúc. 

Mệ thường ra đầu cầu lúc 8 - 9 giờ sáng và về nhà khi trời đã tối. Mệ bảo cốt mệ muốn giữ nghề, kiếm thêm chút thu nhập và cả niềm vui cho tuổi xế chiều. Vì mắt đã kém, sức khoẻ đã yếu, nên cứ một ngày ra phố bán, mệ lại nghỉ một ngày ở nhà để làm lùng tung, vè vè. Mệ bán mỗi món có giá 10.000 đồng. Nghề này với mệ là "nghề lấy công làm lãi". Tuy lời lãi ít nhưng nó đem lại giá trị tinh thần cho mệ. "Mệ vui lắm, mệ thích nhìn lớp trẻ mua lùng tùng, vè vè rồi chơi vui vẻ, có người còn xin chụp hình với mệ, xin về tận nhà xem mệ làm" - Mệ Hường xúc động. Nhiều bạn trẻ thương mệ, không lấy tiền thối, coi như là ủng hộ mệ làm nghề, giữ nghề như giữ "ký ức" tuổi thơ của bao người trên đất Huế.

Dẫu đã trải qua hơn 50 năm giữ nghề, yêu nghề, nhưng ngày ngày mệ Hường vẫn đau đáu về tương lai của lùng tung, vè vè ở Huế. Mệ kể đến nay, mệ thường ngồi bán ở đây, bán cho học sinh, cho người lớn mua làm quà. “Thỉnh thoảng lễ lượt, họ cũng đặt mệ. Trước đây họ có mời mệ qua phố đêm Lê Huân làm để bán, cũng có trưng bày nhưng giờ hết rồi”. Mệ biết, vẫn còn đó sự quan tâm, sự hứng thú với những nghề thủ công, những món đồ chơi dân gian, nhưng theo đường dài, lùng tung, vè vè không thể trụ lại và phát triển.

Người giữ “ký ức” tuổi thơ trên đất Huế - Ảnh 4.

“Ký ức” tuổi thơ trên đất Huế.

Khi được hỏi về việc truyền nghề cho con cháu, ánh mắt mệ Hường đượm buồn. Đúng là nghề này khó mưu sinh, làm thủ công mất nhiều thời gian, bán ra với lượng sản phẩm ít, giá thành thấp. Nhà mệ nghèo, 4 đứa con của mệ cũng dần theo những công việc khác để kiếm sống. Trong hơi thở run rẩy, mệ bộc bạch: “Mệ thấy rất buồn, không ai giữ cái nghề này lại”.

Những lúc đau ốm, mệ cứ hay nghĩ, liệu sau này, còn mấy ai nhớ đến cái nghề này. Mệ lo sợ khi hết đời mình, ở Huế, âm thanh của trống lùng tung, con vè vè không còn nữa. Nhìn mệ Hường lưng còng, mái tóc bạc, đôi bàn tay gầy gò vẫn quay đều cái trống lùng tung, con vè vè mà xót xa.

Đến một mai, trên đất Huế, hình ảnh mệ Hường với những món đồ chơi sắc màu, với những âm thanh lùng tung, vè vè vui tai sẽ trở thành dĩ vãng?

Đó là câu chuyện của ngày mai. Còn hôm nay, âm thanh lùng tung, vè vè vẫn còn vang vọng trên đầu cầu Trường Tiền, Huế. Âm thanh của ký ức tuổi thơ bao người con xứ Huế ngày ấy. Âm thanh của dân gian, của truyền thống rất Cố đô. Những món đồ chơi như trống lùng tung, con vè vè là món ăn tinh thần, là giá trí trong tâm tưởng, là sợi dây kết nối thế hệ trẻ với thế hệ đi trước.

Người giữ “ký ức” tuổi thơ trên đất Huế - Ảnh 5.

Mệ Hường - truyền nhân cuối cùng nghề làm trống lùng tung, vè vè ở Huế.

Nghĩ đến một sáng đầu hè trong veo, hoà cùng tiếng ve ngoài sân trường, trong lớn học môn “Giáo dục địa phương” của học sinh Tiểu học ở Huế, có tiếng quay của con vè vè, của trống lùng tung. Sẽ hạnh phúc, vui sướng biết bao vì món nghề độc đáo, ý nghĩa này lại được tiếp nối, giáo dục.

Một món đồ chơi tuổi thơ bình dị, thân thiện với môi trường cần được sống lại, phát triển. Trống lùng tung, con vè vè của mệ Hường như món quà tuổi thơ nhắc nhở con người ta biết trân trọng, tự hào về quá khứ đẹp đẽ của cha ông; dạy lớp trẻ Huế biết giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, những sản phẩm gắn liền với văn hóa, cuộc sống của con người Cố đô.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước