Tăng cân: Bạn có thể bị rạn da khi bạn còn trẻ và cơ thể thay đổi nhanh chóng. Bạn càng tăng nhiều cân và tăng càng nhanh, bạn càng dễ bị rạn da. Tăng khối lượng cơ nhanh chóng cũng có thể gây rạn da.
Thai kỳ: Các vết rạn da thường xuất hiện trong hoặc sau tháng thứ sáu của thai kì. Cơ thể bạn phình ra khi thai nhi phát triển, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất gây rạn da. Các thay đổi hormone trong thời kì này có thể khiến da dễ bị rạn hơn.
Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tăng cân, phù nề, đầy hơi hoặc các thay đổi về thể chất khác làm căng da và để lại các vết rạn. Thuốc tránh thai và thuốc giảm viêm là hai loại có thể có tác động này.
Bệnh: Bất kể loại bệnh nào gây tăng cân đột ngột hoặc các vấn đề về da đều có thể dẫn đến rạn da. Một số bệnh dẫn đến các thay đổi thể chất cũng có thể gây rạn da. Ví dụ, các vấn đề với tuyến thượng thận khiến bạn dễ bị rạn da hơn.
Kiểm soát cân nặng: Một trong những cách tốt nhất để tránh rạn da là duy trì cân nặng ổn định. Bên cạnh đó, uống nhiều nước có thể giúp phòng ngừa các tổn thương khi da bị kéo căng. Các loại thực phẩm tốt cho da, như các loại giàu kẽm và vitamin A, C, D cũng giúp ngăn ngừa các vết rạn.
Gặp chuyên gia da liễu: Một chuyên gia da liễu sẽ biết đâu là phương pháp điều trị tốt nhất cho làn da của bạn, giúp bạn có cách để ngăn các vết rạn mới. Hãy nói với các chuyên gia về các loại thuốc bạn đang dùng và các vấn đề sức khỏe khác nếu có.
Các sản phẩm retinol: Retinol, một chất xuất phát từ vitamin A, có thể khiến các vết rạn mờ đi. Chất này giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào da, loại bỏ tế bào da cũ. Bạn nên sử dụng ngay khi các vết rạn xuất hiện, dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia da liễu.
Liệu pháp laser: Liệu pháp laser có thể làm mờ các vết rạn - các tia laser kích thích các thay đổi da, khiến các vết rạn hòa vào với da thường. Liệu pháp này hiệu quả nhất với tông da trung bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!