Hôi miệng là một trong những chứng bệnh khó nói, ngay với cả người mắc bệnh lẫn những người xung quanh. Nhiều người chẳng phát hiện được mình mắc căn bệnh này cho đến khi thấy những người muốn tiếp xúc với mình cứ ít dần đi, họ ngại nói chuyện mỗi khi bạn tiến đến gần. Bệnh hôi miệng chữa không khó, có đến 85% nguyên nhân gây nên bệnh này xuất phát từ trong miệng và hầu như đều có thể chữa trị triệt để. Vấn đề là bạn có biết rằng mình bị hôi miệng hay không và bằng cách nào? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn xử lý điều khó nói ấy.
Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của con người. Người ta có thể giao tiếp bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng giao tiếp trực tiếp, bằng lời nói là phổ biến nhất. Do chứng hôi miệng nên nhiều người gặp bất lợi trong tình yêu, trong giao tiếp, trong công việc. Vậy làm sao để biết mình có bị hôi miệng hay không?
Trước hết, bạn có thể tự phán đoán hơi thở của mình bằng cách thở vào lòng bàn tay và đưa lên mũi ngửi. Nhưng cách này không thực sự chính xác vì ta đã quen với mùi mồ hôi của mình.
Người thân có thể giúp bạn thẩm định khi tiếp xúc với bạn. Tuy vậy, cả 2 cách này đều mang tính cảm tính.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đã sử dụng máy halimeter để đo nồng độ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong hơi thở. Với chiếc máy này, bạn sẽ biết chính xác mình có bị hôi miệng hay không và mức độ đến đâu một cách chính xác.
Các nguyên nhân gây hôi miệng đến từ trong miệng và từ ngoài miệng. Nhưng y học đã tổng kết 85% nguyên nhân của bệnh hôi miệng là từ trong miệng.
Lời khuyên của bác sĩ là bạn cần chải răng thường xuyên và đúng cách, làm sạch lưỡi bằng bàn chải mềm và dụng cụ cạo lưỡi; làm sạch răng bằng chỉ nha khoa. Bạn cũng nên súc miệng bằng các dung dịch đặc trị hôi miệng. Ngoài ra, bạn nên nhớ uống thật nhiều nước, hạn chế rượu, thuốc lá bởi đây cũng là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng hôi miệng.