Nhiễm COVID-19 sau khi đã tiêm vaccine: những điều cần biết và cách phòng tránh

Mai Linh (theo Indiatimes)-Thứ năm, ngày 19/08/2021 11:00 GMT+7

VTV.vn - Số lượng ca nhiễm đột phá có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới, mỗi cá nhân cần chủ động phòng ngừa tình trạng này bằng nhiều cách sau.

Nhiễm đột phá là gì?

Nhiễm đột phá là tình trạng bệnh nhân vẫn mắc phải COVID-19 dù đã được tiếp nhận vaccine từ trước đó

Nhiễm đột phá có phổ biến không?

Theo báo cáo từ nhiều chuyên gia, các trường hợp nhiễm đột phá được ghi nhận vẫn nằm ở con số rất nhỏ, không phổ biến. Tuy nhiên, sự gia tăng của các ca mắc đặc biệt này cũng cần được lưu ý, xem xét và giải quyết một cách triệt để. Dù mang tới những tác dụng tuyệt vời như giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc, giúp các triệu chứng diễn tiến nhẹ hơn đồng thời giảm tỉ lệ tử vong, vaccine vẫn không thể bảo đảm phòng ngừa 100% COVID-19. Vì vậy, chúng ta vẫn cần thật cảnh giác và tiếp tục triển khai các biện pháp tự bảo vệ khác sau tiêm chủng.

Đối tượng nào dễ nhiễm đột phá?

Nhiễm đột phá được ghi nhận phổ biến hơn ở những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường dịch bệnh như các y bác sĩ tuyến đầu hoặc những người có hệ miễn dịch kém, có sẵn bệnh lý nền.

Làm thế nào để phòng ngừa nhiễm đột phá?

- Đeo khẩu trang: khẩu trang là một lá chắn vững chắc bảo vệ chúng ta khỏi việc tiếp xúc với mầm bệnh ngay từ đầu. Với những người đã tiếp nhận vaccine, lá chắn này vẫn vô cùng cần thiết vì môi trường chưa được chủng ngừa xung quanh vẫn ẩn chứa nguy cơ cao tồn tại virus. Một số loại khẩu trang được khuyên dùng là khẩu trang ba lớp, khẩu trang phẫu thuật hoặc N95. Cần lưu ý rằng loại khẩu trang được lựa chọn cần vừa vặn che được cả mũi, miệng và vùng dưới cằm, đồng thời dây đeo phải vừa khít và không tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập.

- Chú ý về yếu tố dịch tễ những địa điểm bạn tới thăm: Một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu mở cửa nhiều địa điểm với những du khách được chủng ngừa đầy đủ. Muốn tham gia vào những chuyến du lịch trong thời gian này, hãy tìm hiểu thật kỹ lịch sử dịch tễ của địa danh bạn sẽ đến thăm cũng như tình trạng bệnh dịch ở vùng lân cận để đánh giá và loại bỏ rủi ro hết mức có thể. Bên cạnh đó, nếu phải tham gia những sự kiện ở không gian kín như trong nhà, phòng họp, hãy thực hiện nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng ngừa vì virus có khả năng tồn tại lâu hơn ở không gian kín so với ngoài trời.

- Thường xuyên rửa tay, khử trùng: Kể từ đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19, thường xuyên rửa tay, khử trùng đã được coi là một trong những biện pháp hàng đầu để cản trở sự lây lan của virus. Biện pháp này cần được thực hiện sau mỗi lần tiếp xúc với người khác hoặc tiếp xúc với những bề mặt ở  nơi công cộng. Hãy mang theo dụng cụ khử trùng bên mình khi ra ngoài và thực hiện một cách cẩn thận, thường xuyên.

- Cảnh giác việc lây nhiễm qua không khí: Không khí ẩn chứa khả năng lưu giữ virus vô cùng lớn và có thể truyền tải chúng với một khoảng cách đáng kể. Hãy cố gắng giữ cho vùng không gian quanh bạn được thông thoáng nhất có thể bằng các biện pháp đơn giản như mở cửa sổ để triệt tiêu virus.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước