Nhóm sinh viên Đại học với dự án thay đổi góc nhìn của cộng đồng về người khuyết tật trí tuệ

Mỹ Khanh-Thứ tư, ngày 08/03/2023 13:31 GMT+7

VTV.vn - Đủ khả năng trang trải cuộc sống, qua đó khẳng định giá trị của bản thân là 1 cách tuyệt vời để người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật trí tuệ hòa nhập cộng đồng.

Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

Để mở rộng những cơ hội mới tới các bạn trẻ khuyết tật trí tuệ, cô Michelle Beard - một giáo viên người Mỹ đã phát triển mô hình Imago Work. Đây là một mô hình được tạo ra với mục đích mang đến cho thanh niên có khuyết tật trí tuệ những kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và kỹ năng nghề cần thiết.

Cô Michelle Beard - Người sáng lập của Imago Work 

Imago Work  nâng cao tự trọng và tự lập cho thanh niên có khác biệt trí tuệ thông qua đào tạo kỹ năng sống, xã hội, kỹ năng nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Đồng thời khởi động phong trào doanh nghiệp hòa nhập, nơi người có khác biệt trí tuệ có thể dùng tài năng và khả năng của mình để làm việc và thay đổi cộng đồng. 

Ngoài ra, Imago Work còn đặc biệt tập trung tới những người đủ 16 tuổi. Họ khát khao được học hỏi, tự lập và mong muốn được cống hiến cho xã hội nhằm tô điểm cho cuộc sống của bản thân thật giá trị, nhưng phần lớn họ lại không biết làm thế nào để hòa nhập với cộng đồng, nuôi sống bản thân và trau dồi những kỹ năng cần có để phục vụ cho cuộc sống của chính mình.

Nhóm sinh viên Đại học với dự án thay đổi góc nhìn của cộng đồng về người khuyết tật trí tuệ - Ảnh 2.

Anh Tuấn Anh đang tương tác với học viên

Tại Imago, các học viên sẽ được học tập, rèn luyện kỹ năng và tự đưa quyết định, các cô sẽ chỉ theo dõi theo xem họ có biết là mình đang làm gì, sắp tới mình cần làm gì không… Mỗi ngày, các cô lại đưa ra những mục tiêu cụ thể để từng bạn nỗ lực đạt được, tự làm được mà không cần sự nhắc nhở của người khác. 

Các học viên dần dần đã biết vào lớp đúng giờ, biết tự điểm danh, biết tự rửa chén bát của mình, tự tắm giặt, tự soạn quần áo, tự sắp đồ ăn vào hộp để mang đến lớp…; những việc mà trước kia họ không tự làm được.

Nhận thấy được những kỳ vọng và nỗ lực của Imago Work trong việc lan tỏa thông điệp cũng như thực hiện nguyện vọng của chính bản thân những người khuyết tật trí tuệ, mới đây, một nhóm các bạn sinh viên trẻ của đại học FPT, dưới sự định hướng của các cố vấn chuyên môn, đã thực hiện dự án - RAID with Imago (Raise Awareness About Intellectual Disability With Imago).

Nhóm sinh viên Đại học với dự án thay đổi góc nhìn của cộng đồng về người khuyết tật trí tuệ - Ảnh 3.

Học viên Imago đang thực hiện công đoạn pha chế cà phê

Như một việc làm thiện nguyện, thay vì cho đi những thứ mà bản thân mình có, thông qua dự án này, các bạn trẻ  đã dùng chính năng lực của mình, truyền tải thông điệp và những hình ảnh chân thực nhất về những người khuyết tật trí tuệ, để xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về khả năng của họ, những điều kỳ diệu mà họ có thể tạo nên.

Dự án của RAID của 4 bạn trẻ giúp nuôi dưỡng các giá trị thiện nguyện ở người tham gia thông qua các hoạt động giáo dục cảm xúc xã hội và tỉnh thức, nuôi dưỡng văn hóa trắc ẩn, đồng cảm, khoan dung, trách nhiệm và biết ơn. Mặt khác, dự án nhấn mạnh và hướng xã hội tới những nhận thức đúng đắn về người khuyết tật trí tuệ.

Nhóm sinh viên Đại học với dự án thay đổi góc nhìn của cộng đồng về người khuyết tật trí tuệ - Ảnh 4.

Bạn Hồng Ánh - thành viên dự án RAID đang tham gia hoạt động cùng học viên

RAID with Imago được lấy cảm hứng từ một buổi làm việc chung của nhóm với các bạn học viên của Imago Work.

Trong buổi học hoạt động xã hội tại đây, thay vì sử dụng hình thức giao tiếp thông thường, mọi người giao tiếp bằng những cử chỉ, những từ ngữ đơn giản nhưng dễ hiểu, dần dần, khả năng ngôn ngữ của học viên cũng được cải thiện và nói được những câu dài hơn, tự tin hơn. Đó là cách tạo cơ hội cho học viên tự mình cố gắng.

Với sự giúp đỡ của nhóm các bạn sinh viên, học viên tại Imago đã có những trải nghiệm học tập, rèn luyện thú vị, được thể hiện bản thân, được thực hành những công việc mà trước đây chưa từng trải qua như: tự buộc tạp dề, pha được 1 ly cà phê latte lạnh, thuyết trình trước cả lớp...

Buổi hoạt động làm sô cô la trong lớp học

"Mặc dù mình đã từng uống khá nhiều loại cà phê và đồ uống khác nhau nhưng đây là cốc cà phê đặc biệt nhất mà mình được uống. Không chỉ bởi hương vị mà còn là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. Cốc cà phê này được làm từ các bạn học viên có khiếm khuyết về trí tuệ - người mà ai cũng nghĩ là sẽ cần được giúp đỡ đặc biệt. Vậy mà các bạn lại có thể tự đến đây và làm ra cốc cà phê thơm ngon này. Mình thật sự rất khâm phục ý chí vươn lên của các bạn", - Phùng Đức Anh, thành viên nhóm cho biết.

Ngày 14/2 vừa qua, nhóm đã cùng Imago Work tổ chức một hoạt động nhỏ đầy ý nghĩa dành cho các bạn học viên - "Valentine with Imago" (Ngày lễ tình yêu tại Imago). 

Đây là một buổi hướng dẫn các bạn học viên trải nghiệm làm sô-cô-la và đem về dành tặng người thân yêu. Chỉ là một buổi học ngắn ngủi, nhưng bốn thành viên đã mang đến không khí vui vẻ cùng những trải nghiệm mới lạ cho lớp học tình thương này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước