Nếu bạn thấy mình thường xúc động đến phát khóc khi nghe nhạc, choáng ngợp trước những buổi tiệc sôi động, hoặc nôn nao vì mùi nước hoa nồng nặc, bạn có thể là một người rất nhạy cảm. Nhà nghiên cứu tâm lý học Elaine Aron đã bắt đầu nghiên cứu ý tưởng về độ nhạy cảm cao vào năm 1991 và phát hiện ra rằng cứ năm người Mỹ thì có một người có đặc điểm của người cực kỳ nhạy cảm, hay viết tắt là HSP.
Thuật ngữ "người cực kỳ nhạy cảm" được dùng để mô tả một người có hệ thần kinh nhạy cảm, người có ngưỡng kích thích thể chất hoặc cảm xúc thấp hơn so với những người bình thường. Sau khi tiếp xúc với một số ánh sáng, mùi, âm thanh hoặc các hoạt động xã hội, HSP có thể cảm thấy kiệt sức và bị kích thích quá mức, cần nhiều giờ cho bản thân thư giãn và nạp lại năng lượng, theo Insider đưa tin trước đây.
Nhà trị liệu chấn thương Amelia Kelley cho biết, bởi não cung cấp năng lượng cho hệ thần kinh, việc nhạy cảm cao được coi là một hình thức của việc không khớp về thần kinh, một thuật ngữ phi y tế để mô tả người có bộ não xử lý thông tin khác với những gì được coi là "bình thường" theo truyền thống. Những người mắc chứng tự kỷ và ADHD thường được coi là những người có thần kinh khác biệt. Kelley nói rằng một người rất nhạy cảm cũng có thể mắc chứng tự kỷ hoặc ADHD, tuy nhiên chúng là những tình trạng hoàn toàn khác nhau và không phụ thuộc vào nhau.
Theo Kelley, tính nhạy cảm cao thường bị nhầm lẫn với tính nhút nhát. Nhút nhát là một đặc điểm tính cách, có thể thay đổi theo thời gian, trong khi đó nhạy cảm cao là một đặc điểm trạng thái, được quy định cùng cơ thể người theo một cách nhất định không thể thay đổi. Nghiên cứu cho thấy rằng con người có thể có dấu hiệu rất nhạy cảm ngay từ khi còn bé.
Kelley cho biết, nếu bạn xác định mình là một HSP, việc học hỏi và tôn trọng các giới hạn của hệ thần kinh, đồng thời nghỉ ngơi nạp lại năng lượng bằng thời gian thư giãn và một bữa ăn bổ dưỡng có thể giúp bạn kiểm soát được các tình huống tốt hơn.
Người rất nhạy cảm có thể cảm thấy mệt mỏi, nhưng đồng thời nó cũng có vài mặt tích cực. HSP thường được cho là quan tâm quá nhiều, quá nhạy cảm. Tuy nhiên, HSP không thể đơn giản thay đổi suy nghĩ của họ. Bộ não của người HSP có khả năng suy nghĩ và cảm nhận sâu sắc hơn so với những người bình thường, khiến hệ thần kinh của họ chú ý và phản ứng tốt hơn với các năng lượng xung quanh, theo Kelley.
Kể từ khi nhận ra mình là HSP, Kelley cho biết cô đã học cách dành ra vài giờ mỗi ngày cho bản thân để kiểm soát hệ thần kinh của mình. Trên thực tế, Kelley cho biết cô đã yêu thích việc trở thành một HSP vì điều đó cho phép cô nhìn thế giới một cách sâu sắc và sống động hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!