Trí nhớ bị sa sút trầm trọng. Mọi thứ đều là mới. Không tập trung được vào một điều gì. Cùng với đó, việc đi đứng cũng rất khó khăn. Tất cả những triệu chứng đó là biểu hiện của bệnh Alzheimer.
Những triệu chứng này cũng có thể gặp ở người khỏe mạnh bị lão hóa, tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa có thể phân biệt được triệu chứng này trên người bình thường và bệnh Alzheimer. Chẳng hạn người cao tuổi bình thường không bị giảm kỹ năng ngôn ngữ, người bị Alzheimer lại bị (khó khăn trong việc hoàn thành câu hoặc tìm một từ đúng, không có khả năng hiểu nghĩa của từ, giao tiếp không hoạt bát), người cao tuổi bình thường không bị giảm khứu giác nhưng người Alzheimer bị giảm nên thường bị sụt cân nhiều, đặc biệt là ở phụ nữ...
Ngoài khám bệnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên điện não đồ, hình ảnh học, xét nghiệm máu, dịch não tủy, test thử khứu giác... Não của người bệnh Alzheimer có biểu hiện mất mô não nhiều do tế bào não bị chết. Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do các sợi dây thần kinh bị thoái hóa, hoặc bị tổn thương chỉ còn là những ống nhỏ. Vì vậy, các chất dinh dưỡng không vận chuyển vào được để nuôi tế bào thần kinh.
Những yếu tố sau đây góp phần tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer:
- Tuổi: là yếu tố nguy cơ lớn nhất, bắt đầu từ tuổi 65 thì mỗi 5 năm có gấp đôi số ca bị Alzheimer.
- Giới: Phụ nữ dễ bị bệnh hơn nam giới. Do ở phụ nữ, sự giảm estrogen sau mãn kinh có liên quan rõ rệt đến giảm trí nhớ và sa sút tâm thần.
- Cao huyết áp và tăng cholesterol máu: Nhiều nghiên cứu cho thấy người có huyết áp tâm thu cao hoặc tăng cholesterol máu sẽ có nguy cơ cao bị Alzheimer.
- Hội chứng Down: Người bị chứng này sẽ bị Alzheimer khi sống đến 40 tuổi và những bà mẹ sinh con bị Down sẽ có nguy cơ cao bị Alzheimer.
- Yếu tố môi trường: Người ta phát hiện kẽm, đồng tích tụ trong mô não người bị Alzheimer. Vì vậy, chúng ta nên tránh sinh sống trong môi trường nhiễm trùng, nhiễm kim loại, môi trường điện từ trường, nhiễm độc...
Một số yếu tố khác đã được xác định có liên quan Alzheimer là sự thiếu hụt vitamin nhóm B, trầm cảm, chấn thương đầu, nhóm người có điều kiện kinh tế kém và học vấn thấp, không thường xuyên làm việc trí não...
Hiện việc phòng ngừa Bệnh Alzheimer được khuyến cáo qua chế độ ăn uống như sau:
- Dầu mỡ: năng lượng từ chất béo chỉ nên ở mức dưới dưới 30% tổng nhu cầu hàng ngày.
- Rau quả sậm màu: Có tác dụng bảo vệ não chống lại sự lão hóa.
- Đậu nành: Có chứa một thành phần giống estrogen. Trên động vật thí nghiệm cho thấy đậu nành có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer. Đậu nành đặc biệt tốt cho phụ nữ sau mãn kinh.
- Rượu: Nếu dùng lượng vừa phải (một đến hai ly mỗi ngày) thì có tác dụng tốt bảo vệ não do kích thích phóng thích acetylchotine (chất dẫn truyền thần kinh bị khiếm khuyết trong bệnh Alzheimer). Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều sẽ gây hại, đặc biệt phụ nữ uống rượu sẽ tăng nguy cơ bị ung thư vú và không được dùng khi có thai.
- Folate và vitamin B12: sẽ làm giảm hemocysteine (chất làm tăng nguy cơ Alzheimer và bệnh tim mạch).
- Vitamin chống oxy hóa: chủ yếu là vitamin E và C, chống sự giải phóng gốc tự do làm tổn thương tế bào.
- Tập thể dục: Cho thấy giúp giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer khi nghiên cứu trên số lượng lớn người cao tuổi và trong thời gian dài.