Nấm não người
Nấm não người có tên khoa học là Gyromitra esculenta. Nó còn được biết đến với tên gọi khác là nấm khăn xếp. Ảnh fichasmicologicas.
Nấm não người có màu vàng sáp hay nâu, mũ nấm có nhiều nếp nhăn giống như bộ não, có thể đạt chiều cao 10cm và rộng 15cm. Nếu được chế biến đúng cách, nấm não không gây nguy hiểm gì cho sức khỏe. Nhưng nếu ăn nấm não chưa qua chế biến có thể gây chết người.
Chất độc của nấm não tác động đến gan, hệ thần kinh trung ương và có thể là đến thận.
Nấm tán bay
Nấm tán bay (Fly Agaric), tên khoa học Amanita muscaria, có vẻ ngoài giống những cây nấm trong truyện cổ tích, với mũ nấm màu đỏ, đốm trắng. Người và các loài động vật vô tình ăn phải loại nấm này sẽ bị trúng độc và có thể tử vong.
Tác nhân gây độc chính trong nấm tán bay là muscimol và axit ibotenic. Những độc tố kể trên tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng, buồn nôn, buồn ngủ, ảo giác.
Nấm bàn tay tử thần
Nấm Podostroma Cornu-damae có hình dáng giống bàn tay người màu đỏ. Độc tố chính trong loại nấm này là trichothecene mycotoxin, hợp chất gây ra những triệu chứng khó chịu và có thể dẫn đến tử vong sau vài ngày. Chất độc ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trong cơ thể nhưng chủ yếu là gan, thận, não, làm suy giảm tế bào máu, khiến nạn nhân bị lột da mặt, rụng tóc giống như bị nhiễm độc phóng xạ hoặc bệnh bạch cầu.
Nấm mũ đầu lâu mùa thu
Nấm mũ đầu lâu mùa thu (Autumn Skullcap), tên khoa học Galerina marginata, thường mọc trên những thân cây đã chết ở khắp nơi trên thế giới. Giống như nhiều loại nấm độc khác, nấm mũ đầu lâu trông giống một loại nấm vô hại, khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Trong nấm có chứa chất độc amatoxin, gây ra tổn thương gan vĩnh viễn, dẫn tới những cái chết đau đớn.
Nấm lỗ chó bạch tuộc
Nấm lỗ chó bạch tuộc (Clathrus archeri) là loài nấm kỳ lạ có nguồn gốc từ Australia và Tasmania. Nấm có màu hồng đỏ, hình thù như con bạch tuộc với khoảng 4-7 xúc tu to dài. Không chỉ có hình thù kỳ dị, chúng còn phát ra mùi thịt thối.
Nấm răng quỷ
Những giọt chất lỏng dính và có màu đỏ chảy ra từ loài nấm này khiến người ta liên tưởng đến những giọt máu. Nhờ vào đặc điểm này, chúng được đặt tên là nấm răng chảy máu (Hydnellum peckii). Loài nấm này còn được gọi là nấm "răng quỷ" hoặc một cái tên đánh lừa thị giác khác là nấm "kem và dâu. Chúng được tìm thấy trong các rừng mưa ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Nấm xì gà của quỷ
Có tên khoa học là Chorioactis geaste. Đây là một loài nấm rất hiếm, chỉ được tìm thấy ở một số khu vực của Texas và Nhật Bản. Tại Texas, nấm mọc trên rễ của cây tuyết tùng đã chết, trong khi đó tại Nhật Bản, nấm mọc ở cây sồi chết. Loài nấm này có hình dạng như bông hoa nở.
Nấm búp bê
Thoạt nhìn, người ta có thể nhầm lẫn như con búp bê nhỏ bị vứt chỏng chơ trên đường. Trên thực tế, đây lại là một loại nấm độc có tên khoa học là Geastrum britannicum. Với đầy đủ hình dáng như một "con người" thu nhỏ gồm đầu và các chi, Geastrum britannicum mới được phát hiện cách đây 16 năm ở Vương quốc Anh.Tuy có ngoại hình bắt mắt nhưng đây lại là nấm rất độc.
3 dấu hiệu nhận diện nấm độc:
1. Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.
2. Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.
3. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.
(Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!