Một trong những ngày lễ lớn được tổ chức tưng bừng ở nhiều nơi trên thế giới đó là dịp Giáng sinh. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có cách ăn mừng khách nhau, nhưng đều chung mục đích mong muốn gặp nhiều an lành, hạnh phúc. Cùng vòng quanh thế giới khám phá những phong tục độc lạ mà lãng mạn.
Áo: Hoa anh đào nở
Vào ngày thánh Barbara 4/12, người dân nước Áo sẽ mang một nhánh hoa anh đào đặt vào ly nước. Nếu nhành cây ấy nở hoa trước lễ Giáng sinh sẽ gặp nhiều may mắn và có thể báo hiệu một đám cưới đang tới gần.
Anh: Nụ hôn dưới cây tầm gửi
Ở nước Anh, cây tầm gửi là biểu tượng của sự sống và sinh sản. Nụ hôn dưới cây tầm gửi từng rất thịnh hành tại Anh vào thế kỷ thứ 18. Đặc biệt, điều kỳ diệu này còn lan tỏa tới các bữa tiệc Giáng sinh ở nhiều nơi trên thế giới.
Thụy Điển: Hạnh nhân trong bánh pudding
Trong đêm Giáng sinh, người Thụy Điển có thói quen ăn bánh pudding (Ris a la Malta). Nếu ai đó tìm thấy hạnh nhân trong mẩu bánh pudding, nhiều khả năng họ sẽ kết hôn trong năm tới. Vậy nên những người còn độc thân thường chọn rất kỹ phần bánh của mình.
Cộng Hòa Séc: Ném giày tìm chồng
Những cô nàng độc thân muốn kiểm tra cơ hội kết hôn có tới với mình trong năm mới hay không thường ném một chiếc giày qua vai. Nếu mũi giày hướng về phía cửa, nhiều khả năng một đám cưới sẽ diễn ra.
Greenland: Phụ nữ được nghỉ ngơi
Theo truyền thống, lễ Giáng sinh là dịp duy nhất những người đàn ông Inuit phục vụ mọi thứ vợ yêu cầu. Nhưng điều này không kéo dài được bao lâu. Sau khi ngày lễ kết thúc, những người phụ nữ Inuit lại phải đợi tới mùa Noel năm sau chồng phục vụ cho mình tách trà ngon.
Hy Lạp: Đốt cháy nhánh cây
Ở Thesaly (Hy Lạp), các chàng trai sẽ cầm nhánh cây tuyết tùng, còn các cô gái cầm nhánh hoa anh đào trắng đặt vào ngọn lửa. Nhánh cây nào được đốt cháy nhanh hơn chứng tỏ sẽ gặp nhiều may mắn và sớm có đám cưới.
Thế giới: Trao nhau nụ hôn
Đến nay, việc mọi người trao nhau nụ hôn đêm giao thừa đã trở thành thói quen. Nhưng thói quen này đến từ đâu vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Có thể nó bắt nguồn từ ngày lễ hội La Mã cổ của người Satunalia. Dù không biết nguồn gốc thế nào nhưng thói quen này được lan rộng và lưu truyền tới ngày nay.