Đại học Harvard thành lập năm 1636, là viện đại học nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy, ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Với lịch sử, tầm ảnh hưởng và tài sản khổng lồ, Harvard trở thành một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới.
Theo khảo sát vừa công bố đầu tháng 8/2019 của Wealth-X, số cựu sinh viên là người siêu giàu (những cá nhân sở hữu tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên) ước tính có 13.650 người với tổng tài sản ước tính 4,8 nghìn tỷ USD. Trong đó, số cựu sinh viên là người siêu giàu của Harvard được biết đến là 1.830 người, với tổng tài sản đã được biết lên tới 1,9 nghìn tỷ USD.
Với những con số khổng lồ, Đại học Harvard đứng đầu danh sách các trường đại học "sản sinh" nhiều người siêu giàu nhất thế giới năm nay.
Đại học Harvard chính là trường cũ của một loạt những tên tuổi đình đám hàng đầu thế giới, nơi được mệnh danh "lò sản xuất" tỷ phú và người nổi tiếng thế giới.
Đại học Harvard được thành lập vào năm 1636 bởi Cơ quan Lập pháp Thuộc địa Vịnh Massachusetts và được đặt theo tên của giáo sĩ John Havard - người hiến tặng của cải để thành lập nên ngôi trường. Bức tượng của John Harvard được đặt trang trọng trong khuôn viên trường.
Nhắc đến Harvard là nhắc đến ngôi trường tư thục danh tiếng bậc nhất thế giới nhờ bề dày lịch sử, thành tích, tầm ảnh hưởng, tài sản lẫn tên tuổi của các thế hệ sinh viên mà họ từng đào tạo.
Những Tổng thống và nhân vật chính trị bước ra từ Harvard
Harvard chính là nơi tốt nghiệp của một loạt những người nổi tiếng của thế giới trong lịch sử và đương đại, gồm các chính trị gia, doanh nhân, trí thức, chủ nhân giải Nobel cho tới các ngôi sao giải trí. Nói đến các nhân tài kiệt xuất từng học ở Harvard không thể không kể đến 8 tổng thống Mỹ từng là sinh viên của trường.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành sinh viên của ĐH Luật Harvard vào năm 1988. Cuối năm 1988, khi là sinh viên năm nhất, ông được chọn làm biên tập viên cho tờ Harvard Law Review.
Vào năm 1990, ông Obama còn là sinh viên da đen đầu tiên được các đồng môn khoa luật bầu làm Chủ tịch Tạp chí Luật của Đại học Harvard.
Chàng sinh viên da màu có vóc dáng gầy gò và mái tóc xoăn Barack Obama từng tốt nghiệp Trường Luật tại ĐH Harvard với tấm bằng tiến sĩ hạng Luật hạng Ưu vào năm 1991.
Khi nhận bằng, ông làm luật sư về dân quyền và dạy luật Hiến pháp tại trường Luật ĐH Chicago, và sau đó trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu chọn làm tổng thống thứ 44 trong lịch sử nước Mỹ năm 2009.
Cho đến nay, Obama vẫn là một trong những cựu sinh viên Harvard có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới. Điều thú vị khác là phu nhân của ông, Michelle Obama cũng là bạn đồng môn của Barack Obama tại ngôi trường này.
Trước Obama cũng đã có 7 cựu sinh viên khác của Harvard được bầu chọn làm nhà lãnh đạo tối cao của ngành hành pháp Liên bang Mỹ; có thể kể đến: John Adams - Phó tổng thống đầu tiên và là Tổng thống thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ, Theodore Roosevelt – Tổng thống thứ 26 của Mỹ, Franklin D.Roosevelt – Tổng thống thứ 31 của Mỹ, John F.Kennedy - Tổng thống thứ 35 Mỹ, George Walker Bush - Tổng thống thứ 43 của Mỹ. Đây là những nhân vật chính khách nổi danh bậc nhất nước Mỹ và thế giới.
Cố Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt bắt đầu học ở Harvard vào năm 1900. Ông tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa ở đây như làm chủ tịch cho tờ báo Harvard Crimson, thư ký câu lạc bộ Glee… trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia.
Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush tốt nghiệp Đại Học Kinh doanh thuộc Harvard năm 1975. Ông là tổng thống duy nhất của Mỹ tốt nghiệp có bằng MBA (Cao học quản trị kinh doanh). Hay John F. Kennedy – Tổng thống Mỹ thứ 25 đã tốt nghiệp chuyên ngành Quan hệ Quốc tế Đại học Harvard vào năm 1940.
Luận án tốt nghiệp của ông viết về lý do tại sao nước Anh lại chưa sẵn sàng để chống lại Đức trong Thế chiến thứ hai, sau đó nó đã được xuất bản thành cuốn sách với tựa đề "Tại sao nước Anh ngủ mê" và trở thành cuốn sách bán chạy nhất lúc đó.
Ngoài ra, Tổng thống Liberia thứ 24 – bà Johnson Sirleaf cũng lấy bằng M.A chuyên ngành quản lý công năm 1971 ở Harvard. Bà trở thành Tổng thống Liberia năm 2006 và trở thành nữ Tổng thống da màu do dân bầu đầu tiên của thế giới. Bà cũng là Tổng thống nữ đầu tiên của châu Phi. Năm 2011, bà được nhận giải Nobel Hòa Bình vì nỗ lực thúc đẩy quá trình hòa giải của Liberia.
Nhiều nhân vật quyền lực trong bộ máy chính quyền Mỹ cũng từng học ở Harvard.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tốt nghiệp Harvard năm 1950, sau đó ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị. Henry Kissinger còn là giảng viên dạy tại Đại học Harvard từ năm 1954 đến năm 1969.
John Roberts - Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ tốt nghiệp cử nhân năm 1976 và JD năm 1979. Là thẩm phán trưởng còn khá trẻ, Roberts có khả năng định hình và chỉ đạo tòa án trong nhiều năm tới. Ông đã đưa ra những ý kiến có ảnh hưởng về cải cách y tế. Roberts tốt nghiệp cử nhân tại Harvard loại xuất sắc và tốt nghiệp JD loại giỏi.
Ông Ban Ki-moon - Tổng Thư Kí Liên Hợp Quốc cũng đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành hành chính công năm 1985 tại Đại học Harvard. Ông giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc kể từ năm 2007 và được bầu lại vào vị trí này năm 2011.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông muốn tập trung vào việc trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ và thúc đẩy một xã hội phát triển bền vững. Trước đó, ông còn là Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của Hàn Quốc.
Các tỷ phú công nghệ
Bill Gates có câu nói nổi tiếng: "Tôi đã học mọi thứ nhưng chưa bao giờ đứng đầu. Nhưng ngày nay, những người đứng đầu của các trường đại học tốt nhất là nhân viên của tôi".
Tỷ phú công nghệ và tài chính tài giỏi Bill Gates cũng từng theo học tại ĐH Harvard. Tỏ ra hứng thú với các chương trình máy tính từ năm 13 tuổi, chàng thanh niên sinh năm 1955 bước chân vào ĐH Harvard sau khi tốt nghiệp kỳ thi SAT khi mới 18 tuổi.
Ông dành 1 năm đầu chỉ cho các con số và bị ban giám hiệu Havard đuổi học để rồi sau đó, được chính trường cũ trao bằng tốt nghiệp danh dự khi đã trở thành tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới.
Một tỷ phú công nghệ khác từng học tại Havard là ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg. Vị doanh nhân trẻ sinh năm 1984 từng nuôi tham vọng và hình thành nên mạng xã hội lớn nhất thế giới ngày nay với sự trợ giúp của các bạn học tại Harvard.
Bản thân Facebook được khởi nguồn từ một mạng xã hội thu nhỏ của riêng sinh viên ĐH Harvard. Cho đến nay, Facebook của Mark Zuckerberg đã cán mốc 1,65 tỷ người truy cập mỗi tháng.
Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành của Facebook tốt nghiệp Harvard bằng xuất sắc chuyên ngành cử nhân kinh tế năm 1991. Facebook là một trong những phương tiện xã hội được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, Sheryl Sandberg được mời về làm việc để điều hành mạng lưới này.
Tổng tài sản của nữ CEO này ước tính khoảng hơn 1 tỷ USD. Trước đây, Sandberg là phó chủ tịch bán hàng trực tuyến toàn cầu của Google, tham mưu trưởng cho Bộ Tài chính Mỹ.
Hàng ngàn tỷ phú trên thế giới từng tốt nghiệp tại Harvard. Không ngạc nhiên khi phần lớn các tỷ phú đến từ các ngành công nghiệp tài chính, đầu tư và ngân hàng đều là cựu sinh viên của trường này. Hiện có 4 tỷ phú sở hữu tài sản hơn 50 tỷ USD từng học tại đây.
Theo trang Investopedia, 3 tỷ phú nổi tiếng nhất hiện nay từng tốt nghiệp ĐH Harvard là Leonard Blavatnik - ông trùm bất động sản, viễn thông, tài nguyên có trong tay 16,8 tỷ USD; Gerald Chan - trùm bất động sản Hồng Kông từng tặng hơn 350 triệu USD cho ĐH Harvard và John Paulson - trùm chứng khoán tại New York với khối tải sản 9,8 tỷ USD.
Được biết, 14% sinh viên Harvard có xuất thân từ những gia đình giàu có với mức thu nhập hơn 500.000 USD/năm (khoảng hơn 11 tỷ đồng). Bên cạnh đó là 15% sinh viên nghèo đến từ những gia đình có thu nhập dưới 40.000 USD/năm (khoảng 889 triệu đồng).
95% sinh viên năm nhất từng nằm trong 10 sinh viên đứng đầu khóa ở trường trung học. 88% sinh viên tốt nghiệp trong vòng 4 năm, 98% tốt nghiệp trong vòng 6 năm. Vài năm trở lại đây, trường Đại học Harvard thường chỉ nhận khoảng 5-6% trong số các ứng viên nộp đơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!