Sự kiện là nơi tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa và cũng là dịp để nghệ sĩ thể hiện tình yêu, trách nhiệm với thành phố và đất nước.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tham gia cuộc vận động với hai cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 và Bóng. Anh muốn gửi gắm tinh thần yêu nước và sự đồng lòng của người dân Việt Nam qua các tác phẩm của mình. "Điều tôi rất ấn tượng là bất cứ khi nào có khó khăn, người dân cả nước đều đồng lòng chung sức giúp đỡ nhau. Hy vọng thế hệ trẻ sẽ nhìn vào đó để noi gương theo, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy", anh chia sẻ.
Bóng của thàng phố, một bức ảnh trong cuốn sách ảnh Bóng của Trần Thế Phong
Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong giai đoạn khốc liệt của đại dịch, trong khi Bóng tôn vinh vẻ đẹp giản dị và những mảnh đời lao động qua ánh sáng và bóng tối, tạo nên một bức tranh đầy cảm xúc về cuộc sống. Những tác phẩm này ghi dấu một giai đoạn lịch sử đặc biệt và thể hiện tinh thần vượt khó, đồng lòng của thành phố - một giá trị mà cuộc vận động 50 năm tự hào bản anh hùng ca hướng tới.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong
NSƯT Lê Hoài Phương tham gia cuộc vận động với Xuân bến cảng, một tác phẩm độc tấu đàn bầu cùng dàn nhạc dân tộc. Tác phẩm tái hiện cảm xúc của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bước lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Là một nghệ sĩ đàn bầu nổi tiếng trong lĩnh vực biểu diễn và bảo tồn âm nhạc dân tộc, Lê Hoài Phương luôn biết cách lồng ghép khéo léo các giá trị truyền thống và hiện đại. "Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, may mắn được sống trong thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước nhưng vẫn luôn hướng về những giá trị lịch sử, những người đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập hôm nay".
NSƯT Lê Hoài Phương (Ảnh: NVCC)
Tác phẩm của anh khắc họa khát vọng tuổi trẻ trong một giai đoạn lịch sử hào hùng và nhấn mạnh tinh thần vươn lên của TP Hồ Chí Minh ở thời hiện tại. Đây cũng là thông điệp của cuộc vận động sáng tác, kết nối truyền thống với hiện đại để xây dựng một tương lai tươi sáng.
NSND Trịnh Kim Chi góp mặt với vở kịch Hai người mẹ, mang thông điệp nhân văn sâu sắc về sự hy sinh của những người mẹ trong thời kỳ chiến tranh. Vở diễn đã giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2024. Theo chị, người nghệ sĩ như một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp sức làm cho lý tưởng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở nên vững vàng hơn. Thông qua cuộc vận động sáng tác lần này lãnh đạo thành phố đã tạo nền tảng vững chắc để văn hóa trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Vở kịch Hai người mẹ do NSND Trịnh Kim Chi dàn dựng (Ãnh: NVCC)
Hai người mẹ là tiếng nói tri ân lịch sử và lời nhắn gửi về trách nhiệm tiếp nối, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của TP Hồ Chí Minh - một mục tiêu trọng tâm mà cuộc vận động 50 năm tự hào bản anh hùng ca đã đặt ra.
Các nghệ sĩ đều dành những tình cảm đặc biệt cho TP Hồ Chí Minh nơi họ đang sống và không ngừng cống hiến. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong mô tả thành phố là nơi chứa đựng những câu chuyện đời thường giản dị nhưng tràn đầy cảm xúc. NSƯT Lê Hoài Phương gọi đây là "một thành phố đầy sức sống, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, luôn mang đến cảm hứng sáng tạo bất tận." NSND Trịnh Kim Chi khẳng định: "TP Hồ Chí Minh là một thành phố đáng sống, văn minh, nghĩa tình và hiếu khách".
Vở diễn đã đạt HCB tại Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc (Ảnh:NVCC)
Cuộc vận động sáng tác lần này là minh chứng cho sự gắn bó, sáng tạo không ngừng của những người làm nghệ thuật, thể hiện khát vọng xây dựng một TP Hồ Chí Minh phát triển, giàu đẹp và đầy bản sắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!