Ninh Bình – mảnh đất với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa – không chỉ là một điểm đến hấp dẫn mà còn là hình mẫu phát triển du lịch bền vững. Trong những năm gần đây, chính quyền và người dân nơi đây đã cùng chung tay xây dựng ngành du lịch trở thành đòn bẩy kinh tế quan trọng, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu.
Ninh Bình điểm đến hấp dẫn (Ảnh: Trường Huy)
Chính sách hỗ trợ thiết thực: Động lực phát triển toàn diện
Nhận thức rõ vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chính sách đột phá, nổi bật nhất là Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND. Chính sách này không chỉ thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ mà còn hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ cộng đồng.
Tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn miễn phí dành cho người dân, từ kỹ năng tổ chức du lịch cộng đồng đến bảo vệ môi trường bền vững. Ông Phạm Xuân Sánh, một người dân ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, đã tận dụng sự hỗ trợ này để xây dựng homestay của mình trở thành điểm đến thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và con người.
"Tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp học miễn phí cho chúng tôi đi học, du lịch cộng đồng bền vững là xanh, sạch, đẹp và thân thiện" ông Sánh chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Sánh và mô hình homestay phát triển bền vững
Tương tự, chị Vũ Thị Huyền, quản lý một tổ hợp du lịch nông nghiệp tại Hoa Lư, bày tỏ niềm vui khi chính quyền địa phương đồng hành cùng người dân trong hành trình nâng cao chất lượng dịch vụ. "Chính quyền địa phương luôn đồng hành và hỗ trợ chúng tôi. Sự quan tâm này không chỉ tạo động lực mở rộng du lịch mà còn góp phần đưa hình ảnh địa phương đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước."
Chính quyền, người dân và du khách
Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ, từ đào tạo nguồn nhân lực đến đầu tư phát triển cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 900 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng nghỉ, trong đó trên 40 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-5 sao.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình
Ông Mạnh chia sẻ: "Chúng tôi tập trung vào việc nâng cấp hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ và tổ chức nhiều hoạt động đào tạo để người dân có thể tham gia trực tiếp vào ngành du lịch, từ đó nâng cao đời sống và thu nhập."
Hỗ trợ người dân phát triển du lịch thân thiện
Một trong những chính sách nổi bật là hỗ trợ phát triển mô hình homestay. Cụ thể, các hộ dân đầu tư xây dựng mới nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng mỗi công trình. Đối với các công trình nâng cấp hoặc cải tạo, mức hỗ trợ là 50 triệu đồng mỗi công trình. Để đủ điều kiện nhận hỗ trợ, các tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân cần đáp ứng các yêu cầu về kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật, đồng thời tuân thủ các quy định liên quan đến xây dựng, đầu tư và kinh doanh. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình tại địa phương khởi nghiệp và phát triển trong ngành du lịch.
Những thành quả nổi bật và thách thức cần vượt qua
Nhờ những chính sách kịp thời, lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng trưởng ổn định. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón gần 8,14 triệu lượt khách, trong đó hơn 1 triệu lượt là khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt hàng ngàn tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Du lịch đã thay đổi diện mạo quê hương (Ảnh: Trường Huy)
Hơn thế, Ninh Bình đã ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới khi được vinh danh trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông" và "Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới". Đây là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc nâng tầm thương hiệu du lịch.
Bên cạnh những thành công, tỉnh cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc cân bằng giữa bảo tồn di sản, quản lý môi trường và phát triển hạ tầng. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong thực hiện các chính sách hỗ trợ để vừa thúc đẩy du lịch phát triển, vừa gìn giữ những giá trị văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất. Để giải quyết những vấn đề này, ông Bùi Văn Mạnh khẳng định: "Ninh Bình sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn giá trị di sản, kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chúng tôi đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP của tỉnh vào năm 2030."
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các dự án lớn như khu nghỉ dưỡng Kênh Gà - Vân Trình, mở rộng tuyến du lịch Tràng An và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại nhiều huyện. Các sản phẩm du lịch mới, độc đáo sẽ được đầu tư để thu hút thêm nhiều du khách, tạo sức cạnh tranh cho ngành.
Phát triển du lịch không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh tế mà còn là bài toán bảo tồn và kết nối. Chính quyền Ninh Bình đã xác định lấy người dân làm trung tâm trong mọi chiến lược, tạo nền tảng bền vững để kết nối giá trị truyền thống với hiện đại. Cách tiếp cận này không chỉ cải thiện đời sống cộng đồng mà còn truyền cảm hứng để mỗi người dân trở thành một "đại sứ du lịch", góp phần quảng bá hình ảnh quê hương.
Nhờ những bước đi chiến lược và định hướng đúng đắn, Ninh Bình đang không ngừng vươn xa. Tỉnh không chỉ khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam mà còn tỏa sáng ở thị trường quốc tế, trở thành điểm nhấn trong câu chuyện phát triển bền vững của ngành du lịch nước nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!