Theo số liệu thống kê dân số và nhà ở năm 2019 của tỉnh Ninh Thuận, người Chăm tỉnh Ninh Thuận có 67.517 người, chiếm 37,8% người Chăm trên toàn quốc, chiếm 11,43% dân số tỉnh Ninh Thuận. Cộng đồng người Chăm tỉnh Ninh Thuận có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc cả về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm" và các Chương trình Mục tiêu quốc gia; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư trọng điểm. Kết quả: tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện nâng lên, an ninh trật tự được ổn định, bản sắc văn hóa được giữ gìn, tình đoàn kết các dân tộc ngày càng được tăng cường củng cố...
Tháp Po Klong Garai - một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử đầy tự hào của đồng bào dân tộc Chăm.
Đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ, các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào Chăm đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo đó, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% vùng đồng bào Chăm được sử dụng điện, có trạm y tế, có nhà văn hóa xã, 100% thôn, khu phố vùng đồng bào Chăm có trường mẫu giáo tiểu học.
Ông Trương Thanh Tùng, trú tại thôn Hoài Ni, xã Phước Thái chia sẻ với phóng viên Thời báo VTV.
Xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và có tỷ lệ người Chăm sinh sống trên 65% dân số của xã. Điển hình như tại gia đình ông Trương Thanh Tùng, trú tại thôn Hoài Ni, xã Phước Thái, nhờ nuôi trâu và làm nông nghiệp mà đến nay gia đình ông đã có kinh tế khá giả gần như nhất thôn ở đây. Gia đình ông hiện nuôi khoảng 30 con trâu và làm khoảng 7 ha lúa nước. Nhờ vào đó mà hàng năm gia đình ông thu nhập được khoảng 400 triệu đồng. Ông Trương Thanh Tùng chia sẻ với phóng viên Thời báo VTV: "Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho tôi phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho con tôi được học hành ngày càng phát triển. Chính vì vậy, gia đình tôi đã nỗ lực chăn nuôi thêm và từ đó phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ngày càng ổn định hơn, đời sống ngày một được nâng cao."
Trong những năm qua, các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu… giúp đồng bào Chăm nâng cao chất lượng sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả của đồng bào dân tộc Chăm được triển khai như: Mô hình cánh đồng lớn trồng lúa; măng tây xanh vùng đồng bào Chăm với tổng diện tích trên 2.900 ha; trồng ngô lai; sản xuất nho, táo sạch; nuôi dê, cừu vỗ béo; phát triển sản phẩm làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp gắn với phát triển du lịch...
Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận đi thăm, chúc mừng gia đình các cá nhân tiêu biểu đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn.(Đình Hùng)
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận hiện tại đang chú trọng phát huy những thế mạnh đặc thù của mình để phát triển kinh tế xã hội của địa phương một cách đồng bộ để tạo đà phát triển kinh tế, vừa phát triển an sinh cho người dân nói chung, người đồng bào dân tộc Chăm nói riêng. Theo Quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận phát triển theo hướng thu hút đa dạng các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, tập trung vào 5 trụ cột phát triển chính, có tính cạnh tranh cao là: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao với các sản phẩm đặc trưng; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng kinh doanh bất động sản.
Ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ với Thời báo VTV những chính sách phát triển, lợi thế thu hút đầu tư tại Ninh Thuận.
Ông Trần Quốc Nam, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: "Cái điều kiện chúng tôi nghĩ là đã bắt đầu chín mùi. Đó là các cơ sở hạ tầng đã đầu tư trong thời gian qua như tuyến đường ven biển, cảng tổng hợp Cà Ná cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đang dần hình thành cùng với sự kết nối hạ tầng giao thông, đường cao tốc, với những cơ hội mở ra trước mắt như thế này thì các doanh nghiệp sẽ tranh thủ thu hút tập trung nguồn lực cùng với tỉnh để chúng ta triển khai các dự án mà tỉnh đã kêu gọi đầu tư mà cũng như các dự án tiếp tục kêu gọi đầu tư trong thời gian đến. Chắc chắn chúng tôi sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục đầu tư, cũng như cơ chế chính sách để tạo niềm tin thực sự cho cộng đồng doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư khi đặt chân đến ninh Thuận phải thực sự yên tâm."
Nhờ các chính sách đồng bộ của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống người Chăm tại Ninh Thuận đã dần được cải thiện, xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, số hộ nghèo và cận nghèo từng bước được kéo giảm…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!