Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận

Giang Châu-Thứ hai, ngày 05/08/2024 16:21 GMT+7

VTV.vn - Dù công việc vất vả với khoản trợ cấp ít ỏi, những người dân địa phương vẫn tình nguyện cống hiến để bảo tồn di sản của quê hương.

Tôi đến Ninh Thuận vào những ngày hè cuối tháng 7. Đây là tỉnh được đánh giá là khô hạn với lượng mưa trung bình hàng năm ít nhất cả nước. Thế nhưng khí hậu khắc nghiệt cũng tạo nên cho Ninh Thuận nhiều kỳ quan đặc sắc. Đó là công viên đá cổ hàng triệu năm tuổi, là vịnh Vịnh Hy được đánh giá là 1 trong 4 vịnh biển đẹp nhất Việt Nam, là Hang Rái được mệnh danh là thác nước trên biển….Tất cả những điểm đến này đều thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa - một trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận. Để có được một hình ảnh Ninh Thuận giàu tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học như hiện nay, phải kể đến sự góp mặt quan trọng của "Khu bảo tồn rùa biển". Đối với nhiều người dân địa phương, rùa biển đã trở thành "linh vật" để người ta nhớ đến Ninh Thuận, là niềm tự hào cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó cũng là lý do mà các hoạt động bảo tồn rùa biển ở đây diễn ra bền bỉ và sôi nổi, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục môi trường cho cộng đồng trong và ngoài tỉnh.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 1.

Núi Chúa được ghi nhận là nơi duy nhất ở đất liền và là khu vực thứ 2 ở Việt Nam (sau Vườn Quốc gia Côn Đảo) có quần thể Rùa biển đến đẻ trứng.

Tình nguyện viên địa phương thức đêm tuần tra canh rùa đẻ

600m đoạn đường đầu tiên dẫn vào khu bảo tồn rùa biển được lát sỏi trông rất hợp với khung cảnh tự nhiên. Hai bên là những tảng đá khổng lồ với nhiều hình thù và kích cỡ khác nhau, đôi khi chúng tôi tự hỏi "không hiểu sao có những khối đá nặng hàng tấn lại xếp chồng lên nhau như vậy được?". Thời tiết khô nóng khiến nơi đây giống như "vương quốc" của xương rồng, đặc biệt là những bụi xương rồng tai thỏ tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm hoang dã, thi vị. Đến cổng vào khu bảo tồn, chúng tôi phải đi thêm 175 bậc đá. Tuy có hơi mệt nhưng bù lại được phóng tầm mắt ra biển xanh và biết thêm những tán cây đang cụp lá do thiếu nước.

6h chiều, hoàng hôn đổ dần xuống biển và bóng tối hiện lên khi chiếc đèn năng lượng mặt trời bật sáng. Trên bãi Thịt, ba người đàn ông ngoài 50 tuổi đang hoàn thiện bữa tối để bắt đầu cho một ca trực đêm mới. Họ là những người dân địa phương, tình nguyện đến khu bảo tồn để tuần tra canh rùa lên đẻ trứng, gắn chip theo dõi rùa mẹ, đồng thời kiểm soát người ra vào. Công việc chủ yếu vào ban đêm, khi người ta đi ngủ, thì họ chia nhau đi tuần lúc 12h, 2h, 4h sáng.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 2.

Nhóm tình nguyện viên địa phương thay nhau trực hàng đêm để đảm bảo rùa biển lên bờ đẻ an toàn.

Thấy tôi ghé thăm, các ông vui vẻ mời tôi vào ăn cơm. Những món ăn giản dị được nấu bằng bếp củi ngay tại bãi biển. Ngồi phệt xuống cát, ông Tám tâm sự về công việc mà ông đã gắn bó suốt 23 năm nay kể từ khi xuất ngũ. "Tôi phải cố gắng duy trì để mai sau có cái để lại cho con cháu. Mình lớn mình không làm thì sao chúng nó làm được. Không suy nghĩ tiền bạc, không sợ gian khổ, mình cứ làm vì tỉnh của mình thôi. Nếu không có rùa biển thì sau này Ninh Thuận còn gì cho khách tham quan, tìm hiểu nữa." - Ông Tám xúc động lặp đi lặp lại về công việc mà ông đã coi như lẽ sống. Dù ông cũng thừa nhận rằng tiền trợ cấp không đủ xăng xe, nhưng người đàn ông với thân hình nhỏ bé ấy vẫn bất chấp những đêm mưa gió để canh lo cho rùa biển, bởi ông biết rằng đó là di sản vô giá cho thế hệ mai sau.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 3.

Những tình nguyện viên bảo vệ trứng và rùa con không bị các loài thiên địch phá hoại, ngập nước do thủy triều và con người săn trộm.

Đó cũng là tâm tư của ông Lê Văn Ráng, 59 tuổi, tình nguyện viên Tổ rừng ngập mặn. Ông là người đi thu hoạch những mầm cây đước để mang cho các tình nguyện viên khác trồng rừng ngập mặn ở khu vực biển Mỹ Hòa. Ông nói: "Mình là người địa phương, địa phương vận động thì mình tham gia thôi. Mình cố gắng trồng cây để chống xói mòn, sau này có con cá, con cua nó về, còn con cháu thì có rừng. Trồng cây đước này phải kiên trì, 100 cây sống được 20 cây là tốt lắm rồi. Vậy mà nhiều người không biết còn phá cây."

Sống quá nửa đời người, trải qua bao thăng trầm cùng thiên nhiên, ông Ráng cũng như nhiều người dân khác hiểu được giá trị của rừng, của biển. Ông biết rằng khu vực nào chưa có cây thì sẽ bị xói mòn nặng nề, còn vùng nào có cây thì sẽ được cây bảo vệ, che chắn. Vậy nên họ cứ nỗ lực thầm lặng với công việc của mình để góp màu xanh cho đất quê hương.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 4.

Ông Ráng bền bỉ trồng rừng ngập mặn suốt 11 năm qua.

"Đánh thức" tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường

Theo anh Phạm Anh Dũng, Phó Phòng Bảo tồn tài nguyên rừng & biển (Vườn quốc gia Núi Chúa), hiện có 22 tình nguyện viên địa phương đang hoạt động ở 3 tổ: tổ rùa biển, tổ rừng ngập mặn, tổ san hô. Mục tiêu là để người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, từ đó giúp nâng cao nhận thức của chính bản thân họ và cũng góp phần lan tỏa thông điệp đến những người xung quanh. Nếu trước đây nạn săn bắt rùa, ăn thịt rùa còn nhiều, thì bây giờ người dân đã có ý thức hơn về động vật quý hiếm. Họ biết rằng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tù rất nặng. Một ví dụ điển hình là ông Nuôi – từ ngư dân nổi tiếng vì gây gại rùa nhiều nhất, nay đã trở thành tình nguyện viên bảo vệ rùa.

Để bảo tồn rùa thì việc bảo vệ môi trường sống của rùa đặc biệt quan trọng. Vì vậy từ năm 2016, Vườn quốc gia Núi Chúa đã phối hợp với một số cá nhân, tổ chức triển khai chương trình tuyển tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. Các em nhỏ, phụ huynh và bạn trẻ trên cả nước có thể tham gia ít nhất một tuần với các công việc như: trực đêm theo dõi rùa biển, nhặt rác, trồng rừng, tái thả rùa con, chăm sóc rùa bệnh…Mỗi mùa hè như thế, nhiều người đã được hòa mình vào thiên nhiên và thay đổi góc nhìn về bảo vệ môi trường.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 5.

Tình nguyện viên đón bình minh trên biển sau một đêm ngủ lều và đi tuần tra.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 6.

Trung bình mỗi năm Núi Chúa có 5 – 10 cá thể rùa mẹ lên đẻ trứng. Năm 2023, ghi nhận số lượng tổ nhiều nhất là 24 tổ. Rùa con được mang về chăm sóc cho cứng cáp trong một tuần trước khi thả về biển.

Chị Phạm Thị Kim Thanh (TP. Hồ Chí Minh) đã cùng 3 con của mình tham gia 3 đợt trồng rừng, và đây cũng là năm thứ 2 chị và con trai làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển. Chị Thanh bộc bạch: "Năm ngoái đi lượm rác ở bãi biển khu vực Vĩnh Hy, mình rất ấn tượng vì có quá nhiều ống hút, túi nilon, chai nhựa, đến hết giờ mà nhóm mình vẫn chưa nhặt hết rác. Còn năm nay mình thấy có rất nhiều rác mẩu thuốc lá. Qua những trải nghiệm thực tế, mình và các con biết được loại rác nào có nhiều để từ đó hạn chế sử dụng." Vậy là từ việc ngộ ra thực trạng của môi trường, chị Thanh và con trai luôn mang theo bình nước cá nhân để không phải mua chai nước bên ngoài và không cần sử dụng ống hút nhựa. Chỉ từ một hành động nhỏ như vậy nhưng mỗi ngày gia đình chị đã giảm thiểu được tối đa rác thải ra môi trường. Niềm vui nhân đôi khi chị cũng giúp các con của mình có lối sống xanh ngay khi còn bé.

Tuy nhiên, chị Thanh chỉ là số ít so với rất nhiều người dân hay du khách vẫn đang lạm dụng túi nilon và đồ nhựa ở khu vực này. Thậm chí tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải có rất nhiều tổ cộng đồng dọn rác nhưng lượng rác đại dương đổ về các bãi biển vẫn là vô cùng lớn. Đây cũng là vấn đề khiến anh Dũng trăn trở. Anh cho biết: "Mỗi lần vận chuyển rác từ khu bảo tồn rùa biển đến khu xử lý rác phải đi 2 chặng cả đường biển và đường bộ, tốn kém hơn chục triệu đồng. Dù chúng tôi đã phát giỏ nhựa, hộp nhựa cho chị em phụ nữ đi chợ nhưng họ nói bất tiện nên không dùng. Nhưng sự tiện lợi của con người không đáng để đánh đổi với gánh nặng ô nhiễm môi trường. Chỉ cần chúng ta cố gắng thay đổi từng chút một thì môi trường sống sẽ trong lành hơn biết bao. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức cho các cán bộ và phụ nữ địa phương đi Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) để học hỏi mô hình không rác thải nhựa."

Câu nói của anh Dũng khiến tôi tin vào tâm huyết của một người cán bộ đã làm công tác bảo tồn suốt 16 năm nay. Hôm sau, tôi bắt gặp nụ cười hào sảng của anh sau một đêm anh đi tuần tra cứu hộ rùa biển. Và khi tôi đang viết bài này, anh Dũng đang cùng đoàn của mình đến Cù Lao Chàm với khát khao làm được gì đó cho môi trường, cho thiên nhiên. Bên cạnh những cá nhân thờ ơ khi xả rác, thì ở đâu đó trên dọc dài đất nước, vẫn có những con người đang nỗ lực vì một điều thiêng liêng.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 7.

Anh Dũng trên đường về sau một đêm tuần tra.

Nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh 8.

Nhóm tình nguyện viên từ khắp nơi trên cả nước đã có một tuần trải nghiệm ở căn nhà gỗ Hero House bên bờ biển và tham gia công tác bảo tồn rùa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước