"Nếu con người ta cứ sống mãi trong một môi trường, đi mãi trên một con đường, đi riết rồi thành quen, thành thử đoạn đường cũng sẽ chẳng có gì thú vị, trừ khi chọn một lối rẽ khác. Trong cuộc sống nhiều khi tôi không biết được điều gì sẽ đến với tôi trong tương lai, kể cả công việc và cuộc sống. Mọi thứ đến với tôi là cái duyên định mệnh. Tôi tự hào về cuộc sống, công việc do chính tôi đã tạo dựng và hạnh phúc tột cùng khi làm được những điều mình thích". Đó là tâm sự của NSƯT, đạo diễn, thầy giáo Đặng Lưu Việt Bảo.
- Cuộc đời không phải là những cây cầu đã có sẵn để chúng ta đến đích một cách dễ dàng. Khi đặt ra mục tiêu, sự lựa chọn cho bản thân, vậy anh đã chọn cho mình hướng đi thế nào để có một mục đích sống? Tính đến thời điểm hiện tại, đâu là cột mốc quan trọng nhất của anh? Và quan niệm của anh với 2 từ: hạnh phúc?
Đối với tôi, mọi cột mốc của một số phận con người đều quan trọng vì đó là cuộc đời tôi. Bất kể tôi làm công việc gì hay mỗi khoảnh khắc qua đi, hiện tại, tương lai tôi cũng đều trân trọng. Thời gian có hạn, tôi sống cho chính tôi và không lãng phí. Tôi cũng không quan tâm hay để ý người khác nghĩ gì về mình. Và cũng đừng để tiếng nói của họ nhấn chìm trong chính con người mình. Cách tốt nhất để tìm cho mình một hướng đi là tin vào trực giác của bản thân thay vì ép mình phải làm những thứ bạn nghĩ mình "nên làm". Còn hạnh phúc, tôi nghĩ không phải do trời tạo ra, không phải do thượng đế mang lại, không phải cầu xin thần linh mà có được, không phải mong ngóng là sẽ đến, hạnh phúc do mỗi người lựa chọn cho riêng mình. Cá nhân tôi cũng vẫn đang trong quá trình tạo ra những hạnh phúc nhỏ, luôn bắt đầu cuộc hành trình làm cho bản thân trở nên bận rộn. Bận rộn với những đam mê và cách tốt nhất để hạnh phúc là không biến mình thành một người than phiền, sống tích cực, suy nghĩ đơn giản. Thế đấy, hạnh phúc tưởng chừng như rất xa vời nhưng nó có ngay trước mắt, ngay bên cạnh. Hạnh phúc đâu phải tiền bạc, vật chất xa hoa. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều giản dị.
- Là một diễn viên có kinh nghiệm cộng thêm 10 năm anh du học khoa đạo diễn điện ảnh tại Quốc gia Liên bang Nga tại (Moskva). Về nước anh đã tham gia 2 dự án phim truyện nhựa và dự án phim truyền hình của VFC (Giấy quỳ, Ảo ảnh trắng, Chuyện làng Nhô). Cơ duyên nào anh đến với nghề giáo? Phải chăng đó là số phận và là cái duyên định mệnh?
Vâng, căn nguyên cũng từ ngày ấy, năm 1996, tôi làm việc ở Hãng phim truyện Việt Nam cho đến tận 2005, tôi mới xin chuyển biên chế vào Hãng phim Giải Phóng. Lúc đó, anh Lê Đức Tiến làm Giám đốc đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Hãng phim Giải Phóng có bề dày lịch sử và đã từng có rất nhiều bộ phim của các đạo diễn lão thành, nhiều phim được giải lớn trong và ngoài nước. Tôi hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ bé của mình với Hãng phim này. Rồi cơ duyên lại đưa đẩy tôi đến Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh. Hôm đó, tôi cùng Đức Hải - nguyên trưởng khoa Sân khấu - Điện ảnh cùng bước vào sân trường, thấy các em khoanh tay cúi đầu chào. Nói câu gì cũng dạ thưa rất lẽ phép, tôi có cảm tình ngay từ phút đầu ấy. Khi gặp thầy hiệu trưởng, thầy vui vẻ hồ hởi và nhờ tôi dạy cho một lớp Đạo diễn mới tuyển sinh. Ngay hôm sau, tôi đã nhận một quyết định mời thỉnh giảng cho lớp Đạo diễn hệ cao đẳng K5 do thầy Văn hiệu trưởng ký. Việc vào trường dạy học của tôi cứ hồn nhiên như vậy đấy, như có một sự sắp đặt của định mệnh. Sau này nghĩ lại tôi mới thấy con người ta ai cũng có số.
- Thực chất trong hoạt động dạy học, học trò là người kiểm định sản phẩm, là "khách hàng" ăn và hưởng thụ kiến thức thầy "nấu". Cũng gạo, cũng rau, cũng gia vị nhưng anh có bí quyết gì để "món ăn" không ngán và lại thường xuyên có những món ngon mới lạ? Dạy học với anh dường như cũng là nghệ thuật?
Làm nghề giáo nghĩa là không có sự chủ quan, buông xuôi. "Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" mà phải như một động viên điền kinh phải đoạt giải, phần thưởng là tiếp tục với đường chạy dài hơn và phải chạy nhanh hơn. Làm thầy phải cảnh giác, vì chỉ một lần bực bội , nói quá lời , xử lý thiếu công bằng trước học sinh có thể " tắt nắng, tan gió" trong hồn các em. Bạn có hỏi rằng: Với tôi dạy học cũng là nghệ thuật? Rất đúng, người thầy như nghệ sỹ sân khấu, chứ không phải nghệ sỹ điện ảnh. Vì dạy học không giống phim, quay xong là thôi. Cũng có tiết xuất thần, không tua lại được ở lớp khác. Tôi cũng như các đồng nghiệp phải cố gắng trau dồi kiến thức, vận động đổi mới phương pháp dạy bằng cách tạo sinh khí. Sinh khí không phải nội dung, không hoàn toàn là phương pháp, tâm thế, song lại là điểm tựa cho cả nội dung. Phương pháp, tâm thế và năng khiếu của người làm thầy có sống động ắt sẽ hấp dẫn trò.
- Những dự định của anh trong thời gian tới sẽ là gì?
Mặc dù giờ đã biết mình không còn trẻ nữa nhưng ngọn lửa đam mê phim vẫn luôn cháy trong tôi. Khao khát được làm một bộ phim nhựa đúng nghĩa mang đậm chất nghệ thuật. Và làm tiếp những bộ phim truyền hình tâm lý xã hội dành cho thế hệ trẻ dù là trong thời bão của các gameshow. Hai ước mơ này với tôi được coi đó là "món nợ" của đời mình.
Thời gian tới tôi vẫn cùng đồng hành với trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh tham gia vào công tác giảng dạy. Và trách nhiệm của tôi trong thời gian tới sẽ nặng hơn, áp lực hơn khi cùng chung tay với nhà trường bồi dưỡng lớp năng khiếu tạo nguồn. Lớp học này được sàng lọc khá kỹ lưỡng sẽ được Nhà nước chu cấp và tài trợ giáo trình cũng như về kinh phí tạo điều kiện tốt nhất để các sinh viên phát huy hết khả năng. Tất cả đã họp thảo luận và thông qua. Tôi muốn mang tất cả những kiến thức đã học và kinh nghiệm làm phim của mình để truyền cho thế hệ trẻ niềm tin và khát vọng vào điện ảnh. Ngọn lửa làm phim vẫn luôn cháy bỏng trong mình. Tôi chỉ mong sao sau mọi công việc, quan trọng nhất tôi sẽ có một sức khoẻ thật tốt vượt qua khó khăn, rào cản để sống vui, sống khoẻ sống có ích trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời.
- Xin cảm ơn anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!