Nữ họa sĩ Thu Trần: Tôi vừa vẽ, vừa hát là chuyện thường xuyên

PV-Chủ nhật, ngày 28/04/2019 16:14 GMT+7

Nữ họa sĩ Thu Trần

VTV.vn - Với nữ họa sĩ Thu Trần, mọi tâm sự của chị đã được gửi gắm trong chương trình Triển lãm nghệ thuật đương đại "Giăng tơ".

Nữ họa sĩ Thu Trần cho rằng, vẽ trước hết là để thoả mãn chính mình. Vì vậy, chị luôn vẽ thứ mình muốn, đi đường mình đã chọn, rồi sẽ gặp người đồng cảm.

Phóng viên VTV đã có cuộc trò chuyện với nữ họa sĩ Thu Trần.

PV: Chào Thu Trần! Triển lãm "Giăng Tơ" vừa mới diễn ra tại Hội An. Chị có thể chia sẻ về quá trình chuẩn bị từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn tất. Chị đã có những thuận lợi và gặp áp lực ra sao khi "thai nghén" để đứa con "tinh thần" này?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Quá trình hình thành và thực hiện chương trình triển lãm đương đại cho "Giăng tơ", ý tưởng cho câu chuyện này tôi đã "ngấm ngầm" tương tư về nó từ rất lâu. Với tôi đây là một vùng đất khác của nghệ thuật, nó không nằm trong quá trình tư duy sáng tạo thường xuyên, nó như một sự trăn trở về đời sống văn hoá Việt.

Năm 2015, thầy Phan Cẩm Thượng có đưa tôi về Bắc Ninh để nghe quan họ cổ, gặp các nghệ sĩ liền anh, liền chị hát quan họ cổ, họ vẫn đau đáu mong cho nhà nước có sự quan tâm hơn nữa để quan họ cổ không bị mai một. Họ lập phường hát, chiếu hát, họ vẫn làm ruộng, tráng bánh đa…. nhưng tinh thần của các anh chị ấy rất thanh tao.

Tôi rất yêu âm nhạc, yêu ca hát và bản thân tôi nếu có thể, sau vẽ, âm nhạc là thứ tôi thích thứ 2, tôi vừa vẽ vừa hát là chuyện ngẫu nhiên, thường xuyên. 

Về quá trình chuẩn bị cho chương trình triển lãm, phần vải gồm các loại vải như, tơ tằm trong, lụa Vạn Phúc - Hà Đông, đũi Nam cao Thái Bình, vải thô Nam Định. Khung sắt 240kg sắt 6 cho 07 cụm sắp đặt, được vẽ trong 3 tháng. Phần tranh gần 40 tác phẩm, chất liệu hoàn toàn bằng lụa và đũi tơ tằm, đặc biệt quá trình làm bộ tranh 2 mặt là một trong những việc khó khăn nhất của tôi, tôi phải tính toán sao cho mỗi mặt của lụa trong nhìn thấu sang nhau mà vẫn hỗ trợ được cho nhau về không gian, hình mảng và ánh sáng tác động của bên ngoài vào.

Phần thời trang, có lẽ là thuận lợi nhất nhưng cũng có những khó khăn, thuận lợi vì tôi và nhà thiết kế Phạm Hồng đã làm việc thường xuyên và ăn ý với nhau trên từng chất liệu của vải cũng như quá trình vẽ, việc ra bộ thiết kế dựa theo ý tưởng "Giăng tơ" cũng là niềm yêu thích và say mê của Phạm Hồng, viết ra một ý tưởng, hình thành nên thiết kế chúng tôi đã ăn khớp với nhau. Phần thực hiện tiếp theo từ bản thiết kế, chọn vải và đến xưởng may là một quá trình công phu của tôi và cô ấy. Cuối cùng các bộ trang phục ấy cũng như được chắp cánh, bởi nhà may cũng luôn trăn trở lựa chọn các hình mảng hội hoạ sao cho phù hợp với mẫu đã đưa ra.

Phần sắp đặt là phần tôi biết sẽ là khó khăn nhất, sắp đặt chưa thực sự là sở trường của tôi, tôi phải thi công tại nơi diễn ra triển lãm, chẳng hề dễ dàng với 07 khối sắt để kết vải thực hiện theo ý tưởng, nơi thực hiện không gian rất đẹp. Và các khối sắp đặt cuối cùng đã hoàn thành sau 12 ngày để kịp thời đúng giờ khai mạc.

PV: Nói đến hoạ sĩ Thu Trần là nhắc đến một nghệ sĩ đương đại với rất nhiều tác phẩm có giá trị về văn hoá cũng như thân phận về người phụ nữ Việt. Thường thì phải đạt đến độ chín nào đó của cuộc đời, khi đủ trải nghiệm và gắn bó với một vùng đất mới có được tác phẩm gây dấu ấn. Còn chị, chị nói gì về quy luật này?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Câu hỏi này tôi cũng đã có nhắc ở phần ký ức, chỉ có một điều câu chuyện "Giăng tơ" không nằm trong một vùng ký ức mà nó được thẩm thấu bất thời gian, không nằm trong không gian cụ thể của một vùng địa lý nào, nó chính là trải nghiệm cuộc đời và thân phận phụ nữ Việt bao đời. Nay phụ nữ Việt được sống và làm việc một cách thoả nguyện những ước mơ của mình, tôi chính là một người phụ nữ hạnh phúc ấy.

Độ chín đó là điều cần thiết, có thể nó cũng không phụ thuộc vào lứa tuổi nhưng tôi tin sự trải nghiệm là cần thiết, sống có trái tim, tôi là người phụ nữ đã đi nhiều chặng trong cuộc đời mình, tôi đã phần nào thấm thía thẩm thấu việc đó để biến những thấm thía đó vào trong tác phẩm đó là mục tiêu mà tôi khao khát. Tôi nghĩ tôi cũng không nằm ngoài quy luật này.

Nữ họa sĩ Thu Trần: Tôi vừa vẽ, vừa hát là chuyện thường xuyên - Ảnh 1.

Họa sĩ Thu Trần luôn mang tất cả tình yêu vào trong nghệ thuật

PV: Triển lãm cá nhân "Thu" 2017; Fashion tại trại sáng tác quốc tế Asia art link, Dạ khúc thu, Chuyện của Thị, ECO ART, Kết nối... và mới đây là Giăng tơ. Mọi tác phẩm của chị tại Triển lãm đã khiến người trong giới và ngoài giới "say". Tôi thấy chị sáng tác như thể chữ chảy từ tay ra giấy vậy. Thực tế thì việc sáng tác có nhẹ nhàng như vậy không?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Đó cũng là điều mà mọi người hỏi tôi, đến một ngày không còn vật vã xoá xoá, xé xé nữa, trước toan hay trước những tấm lụa chạy dài hàng trăm mét trong vườn đó là một ngày hạnh phúc.

"Thu tiếp nhận cái di sản trường tồn này, nuôi dưỡng và giữ gìn một cách tự nhiên. Việc vẽ mà nhuộm lên vải lụa là một nhu cầu tự nhiên như một cô gái miền cao tiếp tục làm việc mà mẹ và bà đã làm. Điểm đáng nói là Trần Thị Thu được đào tạo mỹ thuật một cách bài bản và trở thành một trong những hoạ sĩ xuất sắc. Hội hoạ giúp chị tự do và có nhiều giải pháp cho việc vẽ và nhuộm vải. Vẽ và nhuộm vải lại mở ra cho chị con đường rộng hơn ở hội hoạ. Vải và tranh khác nhau nhưng nương nhau mà thành vải tơ mang muôn vàn màu sắc, hình nét mà hài hoà trong nhịp điệu tạo hình. Khi được nhà thiết kế thời trang sử dụng, hội hoạ đi vào đời sống. Trang phục mang trong nó tính tạo hình là một hiện tượng mới ở Việt Nam, được hứa hẹn một tương lai nở rộ. Tinh thần hội hoạ trên vải tơ đến lượt nó tạo ra cảm hứng cho tranh của Trần Thị Thu. Kinh nghiệm trong thao tác vẽ và nhuộm vải tơ cung cấp cho hội hoạ của chị những ý tưởng đặc sắc và riêng tư" - Trích bài viết của hoạ sĩ Lý Trực Sơn trong triển lãm "Giăng tơ". Tôi rất thích cái nhìn của hoạ sĩ Lý Trực Sơn vì ông ấy hiểu tôi, không có nghĩa là tôi thích những lời khen, kèm theo đó là việc tôi phải chấn chỉnh bản thân để đi tiếp như thế nào, đó chính là những thử thách cho tôi.

Vẽ trên vải như một việc làm thư thái, nó chính là điểm xuất phát cho tôi để hoàn thiện các tác phẩm trên tranh của tôi, nó cũng như một cuộc chơi, nó cũng tự tuôn ra, nó đến tự nhiên, đứng trước cái sự không ấy tôi cũng trở về không. Nó đến và đi cũng diễn ra suốt bao năm mơ ước để khỏi lẩn thẩn, dằn vặt khi mình muốn vẽ mà không vẽ được.

Như vậy quá trình vẽ không ai có thể nói là nó nhẹ nhàng được, nó là một việc làm lao động cật lực của mấy chục năm qua, giờ trông có vẻ nhẹ nhàng nhưng ta đã bỏ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.

PV: Dường như trong mỗi BST của chị, hội hoạ là những câu chuyện về ký ức, về những cảm xúc của một người gắn bó với núi rừng Tây Bắc nhưng tim luôn hướng về cội nguồn. Và thấy đâu đó là những đường tơ như đan như mắc, có lúc như lên mà cũng có khi như lắng lại đan dệt một câu chuyện về cuộc đời, con người?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Câu chuyện về miền Tây Bắc luôn hiện hữu trong tôi, tôi đi ra từ trong khu rừng rậm ấy, gai cào rách áo, đá đâm thủng chân, măng tre, rau rừng làm thức ăn cho cả gia đình biết bao ngày, tiếng hú của thú rừng vẫn như vẳng đâu đây, hoa trái đầy cành cùng những nền văn hoá Mông, Thái, Khơ Mú…. Có lẽ việc hữu ích nhất tôi là cô giáo, một cô giáo vùng cao của trường trung cấp, cao đẳng sư phạm của tỉnh Sơn La, đó là lý do thêm một lần nữa tôi hiểu về đồng bào các dân tộc Tây Bắc để bám vào cái nền văn hoá thiên nhiên nơi đó và làm nghệ thuật. Khi biết về cội nguồn của mình thì người ta cũng dễ dàng biết cách tìm hiểu cội nguồn của dân tộc, cội nguồn của vạn vật.

PV: Hạnh phúc của một người làm nghệ thuật là luôn có những người đồng hành. Và chờ đợi những tác phẩm mới của mình. Đó hẳn là nguồn động lực lớn để chị chăm chỉ cày cuốc trên cánh đồng hội hoạ và chịu khó tìm tòi phong cách sáng tác để phục vụ công chúng?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Vâng, hạnh phúc là thứ khó có thể diễn đạt hết bằng lời, người làm nghệ thuật có biết bao cung bậc trong câu chuyện hạnh phúc. Người đồng hành cùng mình có lẽ tôi phải nói "Tạ ơn Chúa", với tôi những người đồng hành luôn xuất hiện giúp đỡ tôi, nâng bước chân cho tôi, tôi không hề đơn lẻ bao giờ và tôi hiểu rằng, tôi cần có tác phẩm, cần sửa mình mỗi ngày để tác phẩm được đẹp hơn để trả lại cho cuộc đời một sự trả ơn nào đó mà chính tôi không làm được. Tôi không dám nói nhiều về sự cống hiến tác phẩm phục vụ công chúng, tôi chỉ có một suy nghĩ mang tình yêu lao động nghệ thuật của mình để phần nào có sự thấu hiểu của công chúng.

PV: Mỹ thuật đương đại đang ở giai đoạn muốn hướng đến cái mới nhưng chưa đến được mà cái cũ thì bị hạn chế. Cái chúng ta thiếu là bản sắc riêng. Nếu không làm sẽ không bao giờ thành công. Nó cũng giống như một canh bạc, phải dám liều thì mới đến lúc thắng cược. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Mỹ thuật đương đại bất cứ ở thời nào cũng luôn mong muốn được cựa mình để thay đổi, thoát xác, không phải chỉ thời điểm này, hạn chế chính là trong mỗi bản thể cá nhân. Mỗi cá nhân lao động nghệ thuật rất cần phong cách riêng, điều đó không phải ai cũng làm được, dù người nghệ sĩ rất biết điều đó nhưng có lẽ nó khó đến lắm. Đúng là lao động nghệ thuật dành cho những người dũng cảm, canh bạ cuộc đời, hiii tôi cung luôn thử cá cược với chính mình và số phận của mình, hơn nữa thì tôi không biết!

PV: Kế hoạch của chị sau "Giăngtơ" sẽ là gì?

Nữ họa sĩ Thu Trần: Sau triển lãm này tôi quay trở về kế hoạch thường ngày, là dạy học, là triển khai kế hoạch nghệ thuật cộng đồng và sáng tác kế hoạch dài hơi mà tôi vẫn đang làm. Nhưng tôi cần nghỉ ngơi, cần quan tâm tới con gái của tôi và gia đình là điều quan trọng nhất. Mọi thứ vẫn song hành cùng với quỹ thời gian vội vã của mình.

PV: Xin ơn chị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước