Thạch 3D du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000 và phong trào làm thạch nở rộ vào khoảng năm 2015. Khi ấy người ta nấu thạch, mua thạch để ăn như một món tráng miệng, giải khát. Thế nhưng khi chị Trần Phương Nga (42 tuổi, Hà Nội) biết đến việc món thạch, chị đã trăn trở và khao khát biến thạch rau câu thành bánh thạch 3D nghệ thuật độc đáo.
Xuất thân là một cô gái miền núi ở Cao Bằng xuống Hà Nội học tập và làm việc, chị Trần Phương Nga có một gia đình viên mãn, công việc là nghiên cứu viên trong Viện Thú y Quốc gia. Dù chị rất khoa học và chính xác, nhưng lại cũng có thể buồn, vui trước một cánh hoa rơi hay một hôm bầu trời đổ màu xam xám. Trong suốt nhiều năm đi làm, dù cơm ăn, áo mặc, gia đình đủ đầy, chị vẫn cảm thấy mình thiếu gì đó.
Cũng như bao người mẹ khác, chị phải tìm đủ cách, đủ món để hai con hứng thú với việc ăn uống đoàng hoàng. Có lần mấy mẹ con đi chơi, các con chị đòi bằng được thạch rau câu. Dần dần, món ăn "bình dân" ấy lại trở thành món yêu thích của hai đứa trẻ. Nhưng rồi vì lo ngại mất an toàn thực phẩm, chị chọn cách tự mua nguyên liệu về để làm thạch rau câu.
Chị Nga chia sẻ, "Kể từ khi làm những chiếc bánh thạch đầu tiên, trong tôi dấy lên sự tò mò, làm sao để ngon, an toàn rồi nhưng phải đẹp nữa mới ưng. Hình ảnh những chiếc bánh trong suốt với những phối màu lung linh cứ luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Thế là ngày đi làm, tối tôi lại lọ mọ tìm hiểu về thạch 3D. Có những đêm, tôi gần như thức trắng, trong đầu bắt đầu hình thành nên những bức tranh về thạch. Trong bức tranh ấy có lá, cỏ, cây, có muôn màu muôn vẻ những nơi tôi đi qua, những nơi tôi mong ước được đến".
Lúc đầu, chị Trần Phương Nga cũng mua 3 bộ kim có sẵn trên thị trường về bắt hoa nhưng không được mềm mại, tự nhiên, và cũng không thể dùng kim có sẵn để tạo hình người, con vật.
"Phải tạo ra một công cụ có thể giúp tôi hiện thực hóa những ý tưởng trong đầu mình vào tác phẩm bánh thạch, ước mơ ấy cứ thôi thúc tôi mãi. Tôi lên mạng xem rất nhiều video clip của nước ngoài để tìm hiểu phương pháp làm thạch 3D nào giúp tạo hình thật hơn không. Nhưng hoàn toàn không có. Tôi bắt buộc phải tự nghĩ ra phương pháp của riêng mình mới có thể đem cả thế giới hoa và những ý tưởng của tôi vào trong bánh thạch
Một hôm, đang vẽ nhụy hoa bằng kim y tế G18, tôi nghĩ: Sao không thử bẻ cong đầu kim để xoay cho dễ làm nhỉ? Nghĩ là làm, tôi thử bẻ cong cây kim rồi vẽ bông hoa phượng vĩ. Bông hoa phượng vĩ đó đã thành công ngoài mong đợi. Tôi vẫn còn nhớ mãi, đó là một ngày nắng như đổ lửa vào tháng 5/2016.", chị Nga nhớ lại.
Biến mũi kim thành bút vẽ, chị Nga hóa thành một nghệ sĩ tự do thỏa sức "múa bút" trong cốt bánh thạch
Chị Nga chia sẻ, "Sau nửa năm liên miên thất bại, tôi tìm ra cách làm phần cốt bánh có thể dễ dàng vẽ hoa. Công thức này gần như "bất bại", làm mẻ nào chuẩn mẻ ấy. Cũng từ lúc này, tôi bắt đầu tìm ra cách để mang những loài hoa, những bức tranh, con người và cảnh vật tôi yêu vào trong chiếc bánh thạch một cách chân thực từ màu sắc, đường nét đến hồn cốt. Tôi say mê ngắm các bông hoa thật, "giải phẫu" chúng và ghi nhớ cấu tạo của hoa, tìm cách đi nhiều nơi nhất có thể để tâm hồn mình có thể rộng mở, giao hòa với thiên nhiên và cảnh vật..."
Từ ngày đầu tiên làm bánh thạch, trải qua vô số lần thất bại, nhưng chị Nga luôn tâm niệm, sản phẩm mình làm ra trước hết là sản phẩm ăn được, và những người thân yêu là những người đầu tiên thưởng thức. Vậy nên chị đặt ra nguyên tắc nói không với hương liệu, phẩm màu. Chị tạo ra mọi màu sắc mình muốn từ những nguyên liệu tự nhiên, từ hoa, quả, hạt, rau, củ... xung quanh.
Sau khi vẽ thành công, chị bắt đầu kết hợp với nhiều công ty truyền thông livestream, quay clip chia sẻ rộng rãi kỹ thuật vẽ kim G18, tổ chức các cuộc thi nhỏ và mở các lớp dạy nghề trực tiếp và online để mọi người yêu thích thạch 3D trên mọi miền tổ quốc, ở nước ngoài đều có thể học được.
Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục thử nghiệm thành công bộ tỉa, tạo hình cho thạch, từ đó đưa thạch 3D phát triển theo hướng nghệ thuật tả thực. Nhiều tác phẩm thạch 3D của chị đã gây được tiếng vang, được mọi người ở nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Rất nhiều học viên của chị đến từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản...
Để hiện thực hóa ước mơ đưa tranh thạch 3D trở thành một nghệ thuật sáng tạo, chị còn bắt tay vào việc đào tạo học viên đi tham dự các cuộc thi quốc tế.
Chị Nga được mời làm giám khảo cho nhiều cuộc thi làm bánh thạch quốc tế
Niềm vui đến khi năm 2017, học trò đầu tiên của chị đạt giải Á quân cuộc thi thạch quốc tế ở Malaysia. Năm 2018, 2019, các học trò của chị tiếp tục giành các giải quán quân, á quân và nhiều giải khác ở cuộc thi thạch quốc tế ở Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia.
Sau những biệt danh "phù thủy bánh thạch" hay "thánh tỉa thạch 3D", tháng 11 năm 2020, chị Trần Phương Nga đã được phong danh hiệu Nghệ nhân văn hóa ẩm thực làng nghề Việt Nam. Chị đã mở đường cho một phong cách làm thạch 3D mới, kết hợp giữa truyền thống và đương đại.
Bằng tình yêu, đam mê và khả năng thiên bẩm, nữ nghệ nhân đã thu gọn cả thiên nhiên, phong cảnh, loài vật vốn thân thuộc vào trong những chiếc bánh thạch 3D. Và cũng bởi muốn truyền tải nhiều hơn nữa tình yêu của mình đến mọi người, chị cho ra đời cuốn sách Nghệ thuật tranh thạch 3D – Họa bốn mùa hoa. Cuốn sách là thành quả của chị sau hơn 4 năm ấp ủ và thực hiện, được cấp phép xuất bản bởi Nhà Xuất bản Thanh Niên. Đó là những chia sẻ nhẹ nhàng của một người làm nghề, một giảng viên hướng dẫn chuyên nghiệp, một người phụ nữ đằm thắm nhưng đầy cá tính.
Trong cuốn sách này, chỉ duy nhất với một cây kim y tế G18 bẻ cong, chị đã họa lại tất cả loài hoa của bốn mùa trong năm. Có những lúc đó là nốt trầm của cuộc sống với những tông màu tối, tương phản mà tinh tế. Có khi đó là những loài hoa lãng mạn, tươi sáng như nụ cười vui.
Cuốn sách "Họa bốn mùa hoa" được viết song ngữ để lan tỏa tới nhiều người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, "Hoạ bốn mùa hoa" mang một nét riêng của nữ Nghệ nhân, đủ tinh tế, nhẹ nhàng và đậm chất thi sĩ. Cuốn sách mang lại kiến thức cho người mới và người đang phát triển nghề. Ông biểu dương và đánh giá cao quá trình hoạt động nghề nghiệp của chị và đặc biệt với cuốn sách này. Ông nhận thấy ở Nghệ nhân Trần Phương Nga sự khát khao phát triển, chuyển giao và đào tạo lớp kế cận.
Xuân bừng sức sống - Hạ rực rỡ - Đoản khúc thu - Đông trầm mặc
Những chiếc bánh thạch sinh động và có hồn về muôn loài trong cuộc sống
“Điều gì chờ đợi phía trước tôi không biết nhưng tôi luôn sẵn sàng, bởi lý do và câu chuyện tôi đến với bộ môn này vốn dĩ đã vô cùng kỳ lạ. Chính những điều ấy đã giúp tôi đủ tâm lý, kiên trì và tự tin để hoàn thành cuốn sách “Họa bốn mùa hoa”. Biết đâu qua cuốn sách này lại có thêm ai đó tìm thấy đam mê của mình và đủ dũng khí để đi đến cùng với đam mê đó.”
Ngày 15/11, nghệ nhân Trần Phương Nga đã tổ chức buổi giao lưu và ra mắt sách "Họa bốn mùa hoa"
Những chiếc bánh thạch của nhiều thợ bánh ở sự kiện thu hút những người yêu nghệ thuật
Nghệ nhân Trần Phương Nga đã quyết tâm đi tìm chính mình, bất chấp không biết phía trước nở hoa hay bế tắc. Và rồi sự kiên trì nỗ lực của chị cũng cũng đã gặt được trái ngọt. Dù quá trình tạo ra cuốn sách "Họa bốn mùa hoa" gặp nhiều khó khăn cả về kỹ thuật và kinh tế, nhưng chị đã truyền cảm hứng cho nhiều người về việc "dám thay đổi, dám bước đi". Bạn mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn.
Câu chuyện của chị khiến tôi nhớ tới một lời hát của rapper Đen Vâu:
"Trong mắt của rất nhiều người, ta rất điên và rất ương bướng.
Lấy đam mê làm ánh mặt trời, để tâm hồn này không mất phương hướng…".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!