Phát hiện "đảo chứa vàng" bí ẩn đã biến mất từ lâu

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ năm, ngày 04/11/2021 14:02 GMT+7

(Ảnh: Live Science)

VTV.vn - Những cổ vật vô giá được phát hiện trong sự kiện này phải kể đến một số lượng lớn vòng vàng, tượng Phật và nhiều đồ gốm sứ Trung Quốc…

Mới đây, các thợ lặn tìm kiếm tại sông Musi gần Palembang, Indonesia đã may mắn phát hiện một kho báu vô giá bao gồm hàng trăm bức tượng nhỏ, chuông chùa, tiền xu, đồ gốm, những món đồ trang sức bằng vàng và đá quý cùng nhiều sản phẩm tạo tác tinh xảo khác. Phát hiện bất ngờ này đã đưa các nhà khoa học tìm đến gần hơn với vị trí của Srivijaya – thành phố vàng mất tích bí ẩn.

Srivijaya đã từng là một hải cảng giàu có và hùng mạnh, có vị trí thuận lợi nằm ngay trên tuyến đường thương mại dọc trục Đông – Tây. Thành phố này từng được cai quản bởi một vị vua chiếm giữ eo biển Malacca từ khoảng năm 600 đến 1025, sau đó suy thoái dần sau cuộc chiến với triều đại Chola của Ấn Độ. Vị hoàng tử cuối cùng của Srivijaya đã cố gắng vực lại thành phố nhưng thất bại, hậu quả là cả thành phố này và những vùng lân cận phải chịu cảnh làm nơi trú ẩn của hải tặc Trung Hoa.

Dù biến mất bí ẩn là vậy, chưa có một cuộc tìm kiếm khảo cổ chính thức nào được tiến hành xung quanh khu vực thành phố. Theo Sean Kingsley – nhà khảo cổ học biển - những cổ vật quý giá từng được khai quật nơi đây cũng nhanh chóng bị tẩu tán đến khắp nơi trên thị trường cổ vật toàn cầu, khiến điểm bắt đầu của hành trình tìm lại Srivijaya gần như là con số 0.

Phát hiện đảo chứa vàng bí ẩn đã biến mất từ lâu - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images)

Nói về nguyên nhân biến mất, có giả thuyết cho rằng những công trình bằng gỗ của Srivijaya có thể đã mục nát dần sau nhiều thế kỉ, đến giờ chỉ để lại một vài cột trụ và gốc cây. Giả thuyết khác cho rằng cũng có thể một số hoạt động địa chất của Sumatra như núi lửa đã chôn vùi đi cả thành phố.

Những dấu hiệu về Srivijaya được phát hiện quanh khu vực sông Musi lần đầu tiên vào năm 2011, khi các công nhân xây dựng bắt đầu nạo vét cát từ con sông này phục vụ nhiều dự án xây dựng. Những cổ vật lấp lánh bắt mắt được lấy ra khỏi lớp cát đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của ngư dân địa phương. Rất nhanh sau đó, họ đã dùng bình dưỡng khí và que sắt thăm dò để tìm kiếm thêm ở khu vực đáy sông.

Từ năm 2011 đến năm 2015, một số lượng lớn những cổ vật được cho là đến từ thành phố Srivijaya đã bị đem ra bày bán trên thị trường cổ vật tại Jakarta. Việc những chứng tích lịch sử này bị đem ra bán đã làm mất đi phần nào sự toàn vẹn của Srivijaya, khiến con đường đến với sự thật về thành phố này càng thêm phần trắc trở. Đứng trước thực trạng đó, Indonesia đã có những động thái nhất định để bảo vệ cổ vật nói chung trước sự chiếm hữu tư nhân đang có xu hướng trở nên mạnh mẽ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước